Hà Giang: Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc hữu
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm
Hà Giangcó điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và các tiểu vùng khí hậu đặc trưng, tạo ra nhiều đặc sản nức tiếng trong cả nước. Những năm qua, các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, góp phần kết nối thị trường tiêu thụ cho nông sản của địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, Hà Giang đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản với nhiều hình thức. Đó là: Tham gia các hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm, sự kiện xúc tiến thương mại lớn tại các tỉnh, thành trong cả nước; tổ chức 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh tại Hội chợ thương mại du lịch quốc tế Trung – Việt được tổ chức tại Malypho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng tại Hà Nội và một số địa phương khác; tổ chức tuần hàng giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành phố; chủ động kết nối với hệ thống siêu thị lớn như: SaiGon Co.opmart, WinMart, Big C để đưa các sản phẩm đặc sản Hà Giang vào tiêu thụ...
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản tại các hội chợ thương mại (Ảnh: BHG) |
Trong đó, Sở Công Thương Hà Giang đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để tiếp cận với nhiều khách hàng trong cả nước. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang có địa chỉ dacsanhagiang.net, được thành lập từ năm 2019, đã trở thành cầu nối giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đến nay, đã có hơn 510 tài khoản được tạo, 23 website kết nối và gần 300 sản phẩm được đưa lên sàn.
Với mục tiêu nâng tầm giá trị thương hiệu các sản phẩm nông sản đặc hữu chất lượng cao gắn với đẩy mạnh hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ các đơn vị sản xuất nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị, tạo nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh với các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản tại các tỉnh, thành.
Tập trung thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, rà soát, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện xây dựng website để kết nối với sàn giao dịch thương mại điện tử; hướng dẫn đăng ký, mở gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế…
Kêt nối tiêu thụ 3 sản phẩm đặc hữu
Đặc biệt, Hà Giang đã ban hành Kế hoạch 278/KH-UBND ngày 9/10/2023 nhằm thúc đẩy, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm mật ong bạc hà, chè, bò vàng chất lượng cao. Đây là các sản phẩm chủ lực thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025.
Thu hoạch chè shan tuyết (Ảnh: T. H) |
Cụ thể hóa chuỗi giá trị của các sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ được xem là khâu quan trọng. Những năm qua, tỉnh tích cực tổ chức các sự kiện, hội nghị xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trong và ngoài nước. Đặc biệt là tập huấn, hướng dẫn người dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để tiếp cận với nhiều khách hàng. Song để tiệm cận với thị trường lớn, giàu tiềm năng thì các sản phẩm cần không ngừng được hoàn thiện, nhất là trong khâu bao bì, tem nhãn sản phẩm.
Từ nay đến năm 2025, Kế hoạch thúc đẩy, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm mật ong bạc hà, chè, bò vàng chất lượng cao tiếp tục phát huy những cách làm hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm phát huy giá trị các sản phẩm đặc hữu một cách bền vững. Đồng thời, thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu cho từng sản phẩm, xây dựng được bộ nhận diện chung gắn với chỉ dẫn địa lý. 100% các sản phẩm được sản xuất được sơ chế, chế biến theo quy trình đạt chất lượng, có bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh được tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và được hỗ trợ tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại khu vực, quốc gia và quốc tế.
Trong đó, chăn nuôi bò vàng được tập trung phát triển theo hướng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thời gian qua, chăn nuôi bò vàng chất lượng cao đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân ở 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang dù đã có thương hiệu, có uy tín khi được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2013 nhưng vẫn đứng trước nguy cơ khó khăn trong tiêu thụ; phải cạnh tranh với hàng giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là cơ sở để nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đem lại nguồn sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc nơi đây.