Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, tính từ ngày 19/9 đến sáng ngày 23/9/2021, Hà Nam ghi nhận 49 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp mã.
Tỉnh Hà Nam vẫn đảm bảo dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân |
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhằm chủ động đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương, ngày 22/9, Sở Công Thương Hà Nam đã xây dựng Phương án “Đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn”.
Theo Sở Công Thương Hà Nam, trong 1 tháng, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm của người dân toàn tỉnh (khoảng 861.000 người) gồm: gạo 14.464 tấn; thịt lợn 1.084 tấn; thịt gà 1.205 tấn; trứng 12,054 triệu quả; rau củ 7.714 tấn; mỳ tôm 48,216 triệu gói ...
Trong khi đó, số lượng các chợ trên địa bàn tỉnh kinh doanh hàng hóa thiết yếu là 110 chợ, 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối gia súc gia cầm ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục và chợ Bầu (chợ hạng I) – chợ đầu mối rau củ quả các loại); 108 chợ hạng II, III chủ yếu kinh doanh hàng thiết yếu; 4 siêu thị kinh doanh hàng thiết yếu, 9 cửa hàng Vinmart+, 17 cửa hàng bán nông sản sạch… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.000 cửa hàng tạp hóa kinh doanh mặt hàng thiết yếu phủ khắp các xã, phường, thị trấn.
Ông Lê Nguyên Ngọc – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam – cho rằng, với số lượng chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên đã và đang đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương. Năng lực cung ứng của hệ thống các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp chiếm 30-40% thị phần.
Tuy nhiên, trong trường hợp địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ xảy ra tình trạng hàng hóa không lưu thông được do gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, gây tắc hàng cục bộ, có nơi thừa, nơi thiếu. Vì vậy, theo ông Lê Nguyên Ngọc cần có giải pháp cần triển khai để cung ứng và điều tiết lưu thông hàng hóa.
Theo Phương án "Đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn”, Sở Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu; có kiến nghị, đề xuất các giải pháp bình ổn thị trường, điều tiết hàng hóa khi cần thiết. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin của Sở, liên hệ kết nối với UBND các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp điều tiết, cung ứng hàng hóa tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng thời, phân công cán bộ nắm bắt tình hình dự trữ, cung ứng, lưu thông hàng hóa tại các siêu thị, chợ, đơn vị cung ứng phân phối hàng hóa thiết yếu ...
“Bên cạnh đó, ký cam kết với các đơn vị cung ứng, dự trữ và lưu thông hàng hóa thiết yếu (gạo, mì tôm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả các loại ...) để chủ động chuẩn bị nguồn hàng cũng như phương án tổ chức vận chuyển phục vụ nhân dân trên địa bàn để sẵn sàng thực hiện điều tiết hàng hóa khi cần thiết”- ông Lê Nguyên Ngọc cho biết thêm.
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các điểm bán hàng thực hiện quyét mã QR code để quản lý thông tin khách hàng khi đến mua sắm và tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Thống nhất với các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu tổ chức các gian hàng lưu động tại thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, các huyện trong tỉnh (nếu cần thiết).
Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác cung cấp và tổng hợp thông tin danh sách các doanh nghiệp có nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa khác tại các tỉnh, thành phố có thể cung cấp và kết nối hoặc đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho Hà Nam. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân tại các siêu thị, chợ, cửa hàng kinh doanh tổng hợp.
Thông tin chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh Covid-19 qua trang thông tin điện tử, đầu mối tiếp nhận thông tin của Sở, điện thoại... để các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, chợ đầu mối... có kế hoạch dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Đặc biệt, sẽ hướng dẫn phòng Kinh tế/Kinh tế và hạ tầng các huyện, thành phố, thị xã, Ban quản lý các chợ đầu mối, các đội quản lý thị trường... các biện pháp phòng, chống dịch tại chợ theo Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21/7/2021 của Bộ Y tế; hướng dẫn mẫu phiếu đi chợ (có mẫu kèm theo) để các địa phương triển khai tới người dân; đồng thời đánh giá an toàn Covid và cập nhật lên hệ thống bản đồ antoancovid.vn. - Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị sản xuất, nuôi trồng mặt hàng nông sản trên địa bàn tăng cường đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chăn nuôi đảm bảo nguồn cung tại chỗ trên địa bàn để sẵn sàng kết nối, điều phối khi cần thiết.
Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, ông Lê Nguyên Ngọc cho biết, các đơn vị này sẽ báo cáo thường xuyên với Sở Công Thương về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa mặt hàng thiết yếu tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh; tình hình dự trữ, phương án vận chuyển mặt hàng thiết yếu để ứng phó với dịch bệnh. Đảm bảo tối đa nguồn cung để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển thực hiện điều tiết hàng hóa đến khu vực khi có yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Đặc biệt, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu của nhân dân theo sự điều tiết của chính quyền địa phương.
Tăng cường triển khai áp dụng công nghệ thông tin (mua bán hàng qua mạng, giao hàng tại nhà...) để đáp ứng nhu cầu mua bán hàng trong thương mại điện tử. Cam kết bố trí hàng hóa đầy đủ trên kệ tại các điểm bán hàng, kho dự trữ. Đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch cho nhân viên, người lao động, người dân tại các địa điểm cung ứng của doanh nghiệp.
Trên cơ sở xây dựng các phương án, Sở Công Thương Hà Nam cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì hoạt động của các chợ truyền thống, đồng thời chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch theo thông điệp 5K, dừng hoạt động ngay đối với các chợ không đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp, nhằm thực hiện công tác phòng chống dịch và đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu cho người dân.