Dự án Khu công nghiệp Phú Nghĩa |
Ở lĩnh vực công nghiệp có ba dự án kêu gọi đầu tư gồm: dự án Khu công nghiệp kỹ thuật cao Đông Anh; dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn và dự án Khu công nghiệp Phú Nghĩa.
Dự án Khu công nghiệp kỹ thuật cao Đông Anh có địa điểm ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, cách trung tâm thành phố 26km có tổng diện tích đất nghiên cứu là 300ha; mật độ xây dựng tối đa 40%. Hiện dự án chưa có chủ đầu tư.
Dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, nằm trên địa bàn các xã Minh Trí, Tân Dân, huyện Sóc Sơn, có tổng diện tích đất dự án khoảng 340ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6.088 tỷ đồng.
Nằm cách trung tâm thành phố 25km, Dự án Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có quy mô 170,1ha, hiện đã cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80% diện tích. Khu công nghiệp này ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp cơ khí lắp ráp, chế tạo điện tử, sản phẩm công nghệ cao, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủ công nghiệp và các sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao đặt tại phía Bắc thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Với tổng mức đầu tư dự kiến 7.898 tỷ đồng (khoảng 376 triệu USD) và tổng diện tích đất 17ha, Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao Bắc Sơn được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải sinh hoạt của khu vực bao gồm các quận huyện thuộc đô thị trung tâm TP. Hà Nội: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và đáp ứng nhu cầu trước mắt xử lý chất thải công nghiệp của toàn thành phố.
Hiện tại dự án đang giải phóng mặt bằng được 50% diện tích và chưa giao cho chủ đầu tư. Hình thức thực hiện dự án sẽ theo hình thức đối tác công – tư (PPP) theo mô hình BLT (xây dựng - cho thuê dịch vụ - chuyển giao) với thời gian khai thác công trình là 20 năm. Khi đi vào hoạt động chính thức, công suất dự kiến của nhà máy đến năm 2020 là 4.000 tấn/ngđ, năm 2030 là 5.500 tấn/ngđ.
Dự án Đường sắt đô thị số 6 (từ trung tâm thành phố đi sân bay quốc tế Nội Bài). Với mục tiêu hoàn thiện mạng lưới giao thông đường sắt đô thị, đường sắt đô thị tuyến số 6 là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị dự kiến được xây dựng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội. Tuyến đường sắt độc lập, riêng biệt, chạy thẳng từ trung tâm thành phố lên sân bay Nội Bài, nhằm cung cấp dịch vụ vận tải chất lượng cao cho hành khách khu vực đô thị trung tâm đi sân bay Nội Bài.
Về tiến độ triển khai các tuyến đường sắt, hiện tuyến số 1 đoạn Gia Lâm - Ngọc Hồi đã thiết kế kỹ thuật, tuy nhiên do vướng mắc vị trí cầu vượt sông Hồng nên chưa triển khai xây dựng. Tuyến thứ 2, giai đoạn 1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang hoàn thành thiết kế kỹ thuật nhưng vướng mắc tổng mức đầu tư cao nên phải thẩm định lại dự án. Giai đoạn 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) đang lập dự án đầu tư. Đoạn từ Nam Thăng Long đến Nội Bài chưa được nghiên cứu. Tuyến thứ 5 đã thực hiện thiết kế cơ sở và chưa triển khai tiếp do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn và lựa chọn hình thức đầu tư.
Ngoài ra, các dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, hạ tầng xã hội như Bệnh viện Quốc tế Gia Lâm; Khu thương mại tổ hợp dịch vụ Uy Nỗ; xây dựng kinh doanh tổng hợp sân vận động, bể bơi tại huyện Trâu Quỳ, Gia Lâm, Trung tâm thương mại Aoen Mall cũng được thành phố kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.