Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong các dịp lễ tết cuối năm
Để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp trên địa bàn đang nỗ lực tạo nguồn hàng, dự trữ đủ hàng hoá tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
CôngThương - Dự báo giá hàng hóa sẽ tăng
Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán (tháng 2 dương lịch năm 2011) sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Tân Mão 2011 tăng khoảng 20-22% so với các tháng trong năm, tháng Tết ước khoảng 20.200 tỷ đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Đồng- Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, Tết Nguyên Đán sắp đến, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, tâm lý người kinh doanh cũng trông chờ dịp này để tăng giá. Do đó, giá cả khó tránh khỏi tăng lên mặc dù thành phố đang cố gắng kiểm soát.
Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm trong tháng Tết theo dự báo sẽ tăng cao: lương thực khoảng 65.000 tấn/tháng. Thịt lợn khoảng 10.000 tấn lợn hơi/tháng, dự kiến tháng Tết nhu cầu có thể lên 12.000 tấn. Hiện tại, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn Thành phố mới đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu thụ, chủ yếu từ các cơ sở giết mổ tập trung của Hà Nội, 30% còn lại được cung cấp từ các tỉnh giáp ranh Hà Nội. Thịt trâu, bò khoảng 2.000 tấn/tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết có thể lên 3.000 tấn. Khả năng cung ứng tại chỗ của Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được khoảng 15%, còn lại 85% lượng trâu bò được cung ứng từ một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Thịt gia cầm tiêu thụ khoảng 3.500 tấn thịt/tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết lên 6.000 tấn. Khoảng 70% lượng thịt gia cầm được chăn nuôi ở các huyện ngoại thành, 30% còn lại được cung ứng từ các tỉnh bạn. Thuỷ hải sản tươi, đông lạnh khoảng 4.500 tấn/tháng, dự kiến nhu cầu tháng Tết lên 5.000 tấn. Nguồn cung cấp chủ yếu từ các tỉnh lân cận và 1 số tỉnh phía Nam. Rau, củ, quả khoảng 75.000 tấn rau, củ, quả các loại/ tháng, dự kiến tháng tết lên 90.000 tấn. Nguồn cung cấp chủ yếu tại các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận. Bánh mứt kẹo các loại khoảng 1.300 tấn tiêu thụ trong dịp Tết. Rượu, bia, nước giải khát khoảng 80 triệu lít. Xăng, dầu trong tháng Tết tăng khoảng 20/% so với thực hiện Tết Canh Dần 2010, dự kiến khoảng 50 triệu lít. Doanh nghiệp tăng cường chuẩn bị hàng hóa Xác định dịp cuối năm là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh hàng hoá, ngay từ tháng 9/2010, các doanh nghiệp đã triển khai dự trữ hàng hoá để đưa ra thị trường Hà Nội trong dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2011. Tổng Công ty lương thực Miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại. Công ty Xăng dầu khu vực I: Dự trữ 40 triệu lít xăng dầu. Tổng Công ty Thương mại và các đơn vị thành viên dự kiến triển khai dự trữ 17 mặt hàng gồm: gần 500 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm các loại; 860 nghìn trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; 3.220 nghìn lít dầu ăn; 1.700 nghìn chai (lon) rượu, bia, nước ngọt; 570 tấn bánh mứt kẹo và 500 tấn rau củ quả các loại... với tổng giá trị khoảng 785 tỷ đồng. Tổng Công ty bia-rượu-nước giải khát sản xuất đưa ra thị trường khoảng trên 75 triệu lít bia rượu các loại. Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội sản xuất đưa ra thị trường khoảng 400 tấn bánh mứt kẹo các loại. Các Trung tâm thương mại, siêu thị: Metro, Big C, Intimex, Fivimar, Co.op mart dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng trên 1.200 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm, Công ty TNHH nhà nước 1 thành viên đầu tư &PTNT HN, Công ty Thực phẩm Vinh Anh, Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH chăn nuôi Việt Hưng dự trữ đưa ra thị trường 900 tấn thịt lợn sạch, 1.000 tấn thịt gia cầm an toàn. Tính đến nay, 13 doanh nghiệp được Thành phố cho tạm ứng vốn để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá đã dự trữ đầy đủ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ Tết với tổng số tiền hàng 400 tỷ đồng, tương ứng với số lượng hàng: gạo trắng thường 6.400 tấn; thịt gia súc 1.520 tấn; thịt gia cầm 560 tấn; trứng gia cầm 12 triệu quả; thực phẩm chế biến 1.280 tấn; thủy hải sản đông lạnh 800 tấn; dầu ăn 240 ngàn lít; đường RE 240 tấn; rau củ 4.000 tấn.
Hiện Sở Công Thương Hà Nội đang tổ chức cho các doanh nghiệp khai thác hàng hoá tại một số tỉnh, thành phố phục vụ thị trường Hà Nội; đồng thời kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị lực lượng hàng hoá của các doanh nghiệp thương mại, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn. Trước mắt, Sở sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng tại khu vực đông dân cư, chợ và vùng nông thôn, ngoại thành. Tổ chức bán hàng bình ổn lưu động về khu vực ngoại thành, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất để mọi người dân đều được hưởng chương trình bình ổn giá. Ngoài những điểm bán hàng bình ổn giá của 9 doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ cho tạm ứng vốn, Sở Công Thương phối hợp với UBND các quận, huyện khảo sát và lựa chọn được 73 điểm bán hàng tại khu vực các chợ dân sinh, khu chung cư cao tầng để thực hiện chương trình bình ổn giá. Ông Đồng cho biết, Sở Công Thương sẽ cố gắng tăng lên khoảng 500 điểm bán hàng bình ổn giá, mở rộng ra khu vực ngoại thành để phục vụ tối đa nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Sở cũng sẽ đề xuất, trình UBND TP cho phép ôtô được vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết được phép hoạt động 24/24h.
Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng lên kế hoạch triển khai quyết liệt kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng thành phố và quận, huyện để quản lý, kiểm tra hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thịt lợn, trâu bò, gia cầm, thực phẩm chế biến, đồ uống, rau an toàn, văn hoá phẩm có tính mê tín dị đoan cấm hoặc không được phép lưu hành, đồ chơi trẻ em có tính kích động bạo lực, pháo nổ; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phát hiện các hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hoá bất hợp pháp. Đảm bảo việc kiểm tra, xử lý đúng quy định nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Các doanh nghiệp được tạm ứng vốn để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2010 đã cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố: dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng đưa ra tiêu thụ trong dịp Tết Tân Mão với giá cả ổn định. Trường hợp, khi thị trường có biến động tăng giá, sẽ thực hiện giá bán thấp hơn tối thiểu 10% so với giá thị trường.