Tour du lịch xích lô được du khách nước ngoài đặc biệt quan tâm.
CôngThương - Phát triển đúng hướng
Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Nội - cho biết, những năm qua, hoạt động du lịch Thủ đô đã phát triển theo đúng định hướng, thị trường được mở rộng, lượng khách không ngừng tăng, sản phẩm từng bước được đa dạng hóa. Công tác đầu tư phát triển và kinh doanh du lịch được chú trọng, xã hội hóa rộng rãi hơn, thu hút nhiều nguồn lực, nhiều thành phần kinh tế tham gia. Hệ thống cơ chế, chính sách, các thủ tục được hình thành và hoàn thiện từng bước, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và khách du lịch. Đáng chú ý là số cơ sở lưu trú rất dồi dào với 1.751, với 241 khách sạn đã được thẩm định xếp hạng sao. Các cơ sở dịch vụ đa dạng, hình thành một số loại hình đặc thù thu hút du khách. Lượng khách đến Hà Nội chiếm trung bình 42-45% tổng lượng khách đến với toàn vùng đồng bằng sông Hồng, cao hơn so với các trọng điểm du lịch khác.
Cùng với sự tăng trưởng du lịch đã tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế, xã hội của đô thị phát triển như: văn hóa, thương mại, giao thông, công nghiệp, thủ công nghiệp. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, Hà Nội vẫn là trạm trung chuyển chứ chưa phải là điểm đến thật sự. Hiện thời gian du khách lưu trú chỉ là 2,1 ngày, mức chi tiêu bình quân còn thấp so với các thành phố khác trong khu vực, dẫn đến doanh thu từ du lịch chưa cao.
Theo ông Tiến, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức về du lịch còn hạn chế, chưa xác định rõ sản phẩm đặc trưng; các điểm đến chưa được đầu tư, quản lý đúng tầm; chất lượng nguồn nhân lực yếu kém; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến chưa được đẩy mạnh; sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả chưa cao; hệ thống cơ sở lưu trú tuy phong phú nhưng phần lớn quy mô nhỏ nên dịch vụ bổ trợ kéo thời gian lưu trú khách còn nghèo nàn.
Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Theo quy hoạch, du lịch sẽ phát triển theo 6 cụm trọng điểm, 2 vành đai và 3 tuyến. Cụ thể, 6 cụm du lịch gồm: trung tâm Hà Nội; Sơn Tây - Ba Vì; Hương Sơn - hồ Đồng Quan; Vân Trì - Cổ Loa; Hà Đông sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mua sắm, giải trí, hội nghị, làng nghề, sinh thái, nông nghiệp, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh. Ba tuyến du lịch gồm: tuyến du lịch mang tính quốc tế kết nối với thế giới theo đường hàng không, đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Trung Quốc và đường bộ xuyên Á; tuyến du lịch quốc gia phát triển trên cơ sở các tuyến quốc lộ với đầu mối là Hà Nội; tuyến du lịch nội vùng gồm các tuyến du lịch city tour nội thành.
Theo ông Tiến, các chỉ tiêu và quy hoạch trên là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với du lịch Hà Nội. Vì vậy, để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các quy hoạch từng ngành, quy hoạch chung và nỗ lực của cả hệ thống.
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2020 đón 21,1 triệu khách (3,0 triệu khách quốc tế và 18,1 triệu khách nội địa); thu nhập từ du lịch đạt 79.000 tỷ đồng; GDP du lịch đạt 52.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,7%... |