Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh - chia sẻ, là địa phương có bờ biển dài, địa hình đa dạng nên sản phẩm nông nghiệp cũng khá phong phú. Về trồng trọt, tỉnh có chiến lược phát triển đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao và phục vụ chăn nuôi. Hiện nay toàn tỉnh có 10.000ha lúa chất lượng cao, 1.400ha cây ăn quả (vải chín sớm, na), vùng cây dược liệu 1.000ha…
Về chăn nuôi, tỉnh đang phát triển mạnh quy mô trang trại, gia trại. Đặc biệt, thủy sản chiếm gần 50% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh với các sản phẩm có lợi thế nổi trội là hàu Thái Bình Dương, ốc nhảy da vàng, tu hài, sá sùng… Hiện nay nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Từ đầu năm đến nay, 12 cơ sở của tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp cho thị trường Hà Nội 1.000 tấn chả mực, hơn 100.000 lít dầu thực vật nguyên chất và nhiều loại nông sản thực phẩm như: miến dong, thịt lợn, nước mắm, nấm linh chi thông qua cửa hàng tiện ích, siêu thị. Công tác kiểm soát nông sản, thực phẩm đưa về Hà Nội được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; sản phẩm có nhãn hàng hóa theo quy định, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo ông Công, các sản phẩm nông sản của Quảng Ninh được liên kết tiêu thụ tại thị trường Hà Nội thông qua hoạt động hợp tác, kết nối xúc tiến thương mại được các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của 2 tỉnh thành phố kiểm soát về chất lượng. Tuy nhiên, số lượng các mặt hàng của tỉnh Quảng Ninh đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ thấp so với nhu cầu phân phối của cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người tiêu dùng thủ đô... “Mong muốn của địa phương là giới thiệu sản phẩm chất lượng cao của tỉnh đến với các tỉnh bạn, nhất là Hà Nội”, ông Công nói.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích canh tác rau 57.000ha, nếu so với năm 2010 diện tích tăng 28,5%, sản lượng tăng 58,3%. Trong đó, diện tích sản xuất rau được cấp chứng nhận VietGAP hơn 1.310ha, chiếm 10,64% diện tích; diện tích gieo trồng rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 12.655ha. Sản phẩm rau chủ lực gồm 3 nhóm rau chính: Rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả và hoa...
Ông Trần Thanh Nhã - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - cho biết: Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm của thành phố là rất lớn, trong khi sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, Hà Nội cũng mong muốn được hợp tác xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố nhằm đưa nông sản an toàn về tiêu thụ tại thủ đô. Ông Nhã đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ vùng sản xuất tới khâu chế biến, tiêu thụ về Hà Nội.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT và các doanh nghiệp của Hà Nội, Quảng Ninh, Lâm Đồng đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa các bên nhằm kết nối đưa nông sản, thực phẩm an toàn về thị trường Hà Nội tiêu thụ.