Hà Nội: Không để thiếu hàng, sốt giá mùa dịch
Ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị thuộc hệ thống BigC, Co.opmart tại Hà Nội cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 đã quay trở lại nhưng không khí mua sắm của người dân vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng chen lấn mua hàng tích trữ. Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội), rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, chị Nguyễn Thanh Nga (đường Trần Phú, quận Hà Đông) cho biết: “Đợt dịch lần trước tôi mua dự trữ khá nhiều thực phẩm khô, cả gia đình ăn cả tháng mới hết, lần này tôi chỉ mua đủ dùng cho 2 - 3 ngày, dùng hết lại đi mua thêm vì bây giờ chợ và siêu thị không thiếu hàng hóa”.
Để bảo đảm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, hiện các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh dự trữ hàng hóa. Theo đó các siêu thị đã tăng nguồn hàng dự trữ từ 50 - 300% lượng hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19 bùng phát trở lại.
Hà Nội sẽ cung ứng đủ hàng hóa cho người dân khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp |
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã được đơn vị tăng cường dự trữ tại tổng kho sẵn sàng phục vụ người dân chống dịch. Các mặt hàng khẩu trang, gel rửa tay... cũng được dự trữ sẵn cho hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Co.opmart Hà Nội vẫn có đủ nguồn hàng cung ứng.
Tương tự, đại diện hệ thống phân phối Central Retail cho biết: Ngoài các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tăng cường nguồn hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Trước đó, ngay khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/7 về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Công Thương thành phố Hà Nội đã triển khai 3 công văn đến các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, công nghiệp và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống dịch với một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, các doanh nghiệp thương mại chủ động rà soát lại phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa đã đăng ký với Sở Công Thương thành phố trong dịp tháng 4 vừa qua để chủ động phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở Công Thương thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2021. Các doanh nghiệp cũng đã đăng ký để xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cho công tác bình ổn thị trường năm 2020 và phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021.Theo đó, các doanh nghiệp đã chủ động dự trữ hàng hóa tăng 3 - 5 lần theo phương án của thành phố, sẵn sàng trong tâm thế chủ động ứng phó dịch. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục bảo đảm việc phòng, chống dịch đối với người lao động và rà soát lại phương án sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và nước sát khuẩn, Sở yêu cầu bảo đảm đủ sản lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch cho người dân trên địa bàn thành phố.
Thêm vào đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai 3 phương án bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, với tổng trị giá 194.000 tỷ đồng. Chuẩn bị sẵn phương án dự trữ thêm hàng hóa phục vụ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc Bộ, bảo đảm đủ nguồn cung dù dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp. Do đó, nếu dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng hóa để phục vụ người dân trong nhiều ngày – bà Lan khẳng định.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản bảo đảm hàng hóa và thành lập tổ điều phối hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19; rà soát, chủ động ký kết với các đơn vị phân phối, thành lập 2.156 địa điểm có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán hàng lưu động khi cần thiết... Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng phục vụ nhân dân trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm, hàng hóa, đơn vị vận chuyển hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Hiện, các lực lượng chức năng của ngành Công Thương Hà Nội đã xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa; đồng thời phối hợp với các nhà phân phối, các địa phương tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ. |