Để các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức và tiến tới chủ động áp dụng giải pháp hướng đến sản xuất sạch hơn, trong những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, kỹ thuật tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Năm 2020, Sở Công Thương đã tiến hành điều tra khảo sát đánh giá hiện trạng tình hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố theo 3 nhóm đối tượng: Cơ sở công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; cơ sở sản xuất công nghiệp ngành in ấn - bao bì; doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc ngành chế biến gỗ, gốm sứ. Chỉ riêng năm 2020, Sở Công Thương đã hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp dệt may chủ động áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn |
Đối với các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhóm ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, việc tổ chức và quản lý sản xuất tương đối tốt. Do đó, Hà Nội xác định, các giải pháp sản xuất sạch hơn được tư vấn cho doanh nghiệp tập trung đổi mới trang thiết bị công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao. Năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất 63 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm trung bình 2,2% định mức nguyên vật liệu, 5,8% tổng định mức năng lượng quy đổi, 12,5% bụi công nghiệp, 8% nước thải sinh hoạt...
Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành in ấn - bao bì, do các trang thiết bị chủ yếu là thế hệ cũ, hiệu suất thấp và tiêu hao nguyên nhiên vật liệu ở mức cao nên giải pháp sản xuất sạch hơn được tư vấn tập trung vào quản lý, kiểm soát tốt trang thiết bị công nghệ sản xuất và đổi mới thiết bị công nghệ. Đồng thời, Sở Công Thương đã đề xuất 59 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm trung bình 3 % định mức nguyên vật liệu, 4,5% tổng định mức năng lượng quy đổi, giảm trung bình 30% tỷ lệ sản phẩm lỗi...
Đối với các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhóm ngành chế biến gỗ, gốm sứ, được hình thành và đi lên chủ yếu từ hộ gia đình sản xuất đơn lẻ. Do đó, việc tổ chức quản lý sản xuất còn chưa được chú trọng, các công đoạn sản xuất rời rạc nên năng suất lao động và hiệu quả chưa cao. Các giải pháp về sản xuất sạch hơn được tư vấn, đề xuất chủ yếu đi sâu vào tổ chức triển khai thực hiện ngay như: Quản lý nội vi, kiểm soát tốt quá trình sản xuất, thiết bị. Trong đó, hệ thống quản lý nội vi 5S là công cụ rất hữu hiệu đã được các cơ sở sản xuất thuộc nhóm ngành công nghiệp nông thôn áp dụng, công cụ này dễ thực hiện và đem lại hiệu quả lớn, giúp loại bỏ tức thời lãng phí nguyên vật liệu, nước, không gian làm việc, năng lượng...; duy trì cơ sở sản xuất sạch sẽ - gọn gàng - an toàn; giúp tạo ra và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp; thúc đẩy khả năng sáng tạo của tất cả mọi người và tạo ra phong trào cải tiến liên tục trong cơ sở sản xuất. Qua đó, 61 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn đã được tư vấn và đề xuất giúp giảm trung bình 2,5% định mức nguyên vật liệu, 6,5% tổng định mức năng lượng quy đổi, 35% bụi công nghiệp, 30% sản phẩm lỗi...
Chủ động đi đầu trong việc giảm phát thải ngay tại nguồn không chỉ giúp Hà Nội đạt được các mục tiêu trong tăng trưởng xanh mà còn nhằm cụ thể hóa Chiến lược sản xuất sạch hơn, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ công nhân, vừa giúp tăng hiệu quả công nghiệp, lợi nhuận và tính cạnh tranh. |