Thương hiệu thời trang “HERADG - Đẹp mãi với thời gian”, và “S.pearl - Vẻ đẹp quyến rũ và trí tuệ” của Tổng công ty Đức Giang được người tiêu dùng rất ưa chuộng |
Trong hơn một thập niên qua, công nghiệp thời trang là một trong 15 ngành công nghiệp sáng tạo, đã có những bước chuyển mình thực sự, về cả chất và lượng. Trong lĩnh vực dệt may và da giày, nhờ tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ Mỹ, Eu và các nước khác, ngành dệt may và da giày đã thu hút được nhiều lao động, năng lực sản xuất tăng nhanh qua hàng năm. Đặc biệt, với nỗ lực trong định hướng chiến lược sản xuất, ngành dệt may Việt Nam nằm trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, sản phẩm đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 đạt 24,5 tỷ USD.
Tuy vậy, các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là gia công, nằm dưới các thương hiệu nước ngoài, nguyên phụ liệu chủ yếu là ngoại nhập, chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu thời trang Việt trên thế giới. Để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh với khu vực và quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, ngành dệt may cần đẩy mạnh hơn nữa về thiết kế thời trang, đào tạo nguồn nhân lực và khâu nghiên cứu thị trường nhằm tạo thương hiệu sản phẩm thời trang Việt Nam trong ngành công nghiệp thời trang quốc tế.
Hội nghị quốc tế về công nghiệp thời trang được tổ chức với quy mô lớn cùng sự góp mặt của nhiều diễn giả uy tín bàn về vấn đề xây dựng và phát triển nền công nghiệp thời trang gắn liền với xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo như: ông Lê Quốc Vinh- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn truyền thông Lê, bà Đặng Thị Hương Lan- Quản lý dự án kinh tế sáng tạo tại hội đồng Anh, bà Nguyễn Sao Kim- Viện trưởng Viện mẫu trời trang Fadin; bà May Cortazzi- Trưởng khoa thiết kế thời trang học viện London; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng giám đốc May 10; bà Nguyễn Thanh Hương- Tổng biên tập Tạp chí FFashion; ông Ricardo Bianco Levrin- Chủ sở hữu thương hiệu Bianco Lervin cùng các nhà thiết kế trẻ đang tạo được tiếng vang như nhà thiết kế Hà Linh Thư, nhà thiết kế Kelly Bùi và các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong ngành thời trang.
Để ngành công nghiệp thời trang của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung bứt phá, cần nhận diện đầy đủ, đúng đắn và xây dựng được chiến lược phát triển ngành công nghiệp thời trang trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. |
Trong khuôn khổ hội nghị có hai phiên thảo luận với các chủ đề đang được quan tâm. Phiên thứ nhất là nhận diện ngành công nghiệp thời trang Việt Nam và việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp này trong xu hướng hội nhập. Trong đó chú trọng đến những vấn đề về xu hướng phát triển của thời trang thế giới, vị thế của thời trang Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như hướng đi cho các thương hiệu Việt. Phiên thứ hai là: các cơ hội, thách thức đặt ra cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực và tận dụng chính sách hiệu quả đón đầu các cơ hội mới.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh- Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội- đơn vị trực tiếp tổ chức Hội nghị quốc tế về ngành công nghiệp thời trang 2015, hội nghị được tổ chức với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, nhà thiết kế tên tuổi, các đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong ngành thời trang có cơ hội thảo luận những vấn đề liên quan nhằm giúp các hiệp hội, doanh nghiệp nhận diện một cách đầy đủ, đúng đắn hơn về ngành công nghiệp thời trang và định hướng phát triển ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Từ đó, đề xuất giải pháp cũng như đưa ra các chính sách cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước cho sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang vào giai đoạn nước rút và dự kiến, thời gian kết thúc các cuộc đàm phán cũng không còn xa.