Hà Nội-Quảng Ninh-Ninh Bình- Lào Cai: Nâng cấp kết nối du lịch
Du lịch Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ
- Trong tháng 8,9/2011, Hà Nội-Quảng Ninh-Ninh Bình-Lào Cai đã thực hiện đợt khảo sát quy mô tại các tuyến điểm, khu du lịch trọng điểm của từng địa phương. Đợt khảo sát cho thấy các địa phương đều có sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất, có lợi thế riêng trong việc thu hút khách du lịch. Như Quảng Ninh phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng, Lào Cai sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, giá dịch vụ có tính cạnh tranh cao, Ninh Bình có tiềm năng lớn, phong phú, đa dạng cho phát triển loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng và các loại hình du lịch dựa vào thiên như du lịch sinh thái, tham quan hang động.
Tuy nhiên, đợt khảo sát tour liên kết này, các địa phương vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đối với Quảng Ninh, khu Bãi Cháy các công trình xây dựng sát biển làm chắn tầm nhìn và cảnh quan, chất lượng dịch vụ còn nhiều bất cập, như không bật quạt cho khách, giá ăn trên tàu đắt hơn so với giá trên đất liền, chưa có đầu mối điều hành đối với quản lý kinh doanh trên tàu, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí. Còn tại Lào Cai, sạt lở còn phổ biến, giao thông trắc trở, vận chuyển còn nhiều khó khăn vào mùa cao điểm… Tại Ninh Bình, khu du lịch Tràng An đang thu hút khách du lịch, nhưng vé tham quan không có hóa đơn tài chính nên khó khăn cho DN trong thanh toán, quản lý thuyền còn lộn xộn…
Ông Trịnh Minh Tú- Công ty Hanoi Toserco cho biết, mặc dù các tỉnh có nhiều hợp tác phát triển du lịch, nhưng kết nối chưa cao, chưa có sản phẩm du lịch chung, đa số các sản phẩm du lịch đều do các đơn vị lữ hành tự xây dựng. Số lượng, chất lượng dịch vụ tăng nhưng chưa đồng bộ. Giá dịch vụ, điểm vui chơi, mua sắm, ăn nghỉ mỗi nơi một kiểu và chênh lệch lớn. Hệ thống giao thông kết nối các tỉnh chưa được nâng cấp, cải tạo. Nhiều tuyến điểm hay, phù hợp với khách nước ngoài như Bắc Hà (Lào Cai), tuy nhiên dịch vụ chưa có, thiếu điểm dừng chân cho khách, tình trạng chèo kéo du khách vẫn phổ biến…
Đại diện Saigontourist, cho biết, hiện sản phẩm liên tuyến là một trong các sản phẩm đắt khách hiện nay tại các hãng lữ hành. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là thông tin kết nối các tuyến điểm cho doanh nghiệp (DN) là rất ít. Đặc biệt, DN rất quan tâm đến thời tiết đối với Quảng Ninh, Lào Cai, nhưng chưa có được đầu mối chính thống để kết nối. Ngoài ra, vấn đề an toàn cho du khách hiện tại các khu du lịch là chưa tích cực. Điển hình như Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) chưa có dịch vụ y tế, ứng phó với những sự cố tai nạn của du khách. Sông Chảy (Lào Cai), thuyền trên sông chủ yếu là chở hàng chứ không phải chở khách, thiếu cứu hộ đi tour sông Chảy, thông tin lũ về cho DN…
Ninh Bình có nhiều ưu thế trong liên kiết du lịch của 4 tỉnh
Để nâng cao chất lượng cho sản phẩm tour liên tuyến này, ông Lưu Đức Kế (Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist) cho rằng, Quảng Ninh nên có quy hoạch rõ ràng, không nên để xảy ra tình trạng lấn biển, làm mất vẻ đẹp cảnh quan, đặc biệt là ứng xử phù hợp với những tai nạn, sự cố trên biển thật văn hóa. Lào Cai là địa phương giàu bản sắc văn hóa, vì thế không nên để quá trình đô thị hóa phá vỡ không gian đặc trưng của mình. Lợi thế về cận kề thị trường khách Trung Quốc khổng lồ, nên chú trọng tạo điều kiện để khai thác và thu hút khách cho 4 tỉnh.
Theo ông Trịnh Minh Tú, các tỉnh cần kết nối chặt chẽ hơn, thực hiện tốt cam kết, có sự phân công cụ thể cho từng địa phương. Vì nếu chương trình chỉ nằm trọn trong một địa phương sẽ thiếu sự đa dạng, sản phẩm kém hấp dẫn, làm giảm thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách. Bên cạnh sử dụng tài nguyên du lịch của nhau, các bên cần tạo nên các sản phẩm có tính kết nối cao, trong thông tin quảng bá cần có thông tin của nhau, để cùng xúc tiến, kết nối quản lý chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Quý Phương-Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho hay, để liên kết đạt hiệu quả, cần có sự phê duyệt của lãnh đạo địa phương trong vấn đề chính sách. Hà Nội đóng vai trò chủ đạo trong kết nối, bởi đây là thị trường nội địa lớn, cũng như nơi trung chuyển chủ yếu khách quốc tế của 4 tỉnh. Ngoài ra, hầu hết các hãng lữ hành đều tập trung tại Hà Nội, do đó, muốn liên kết thật thì vai trò của các DN là rất quan trọng. Các hoạt động du lịch của địa phương luôn phải có sự tham gia của DN. Các tỉnh nên định hướng chương trình khuyến mãi để ngay cả trong giai đoạn thấp điểm cũng có khách, đặc biệt phải có chính sách giá cạnh tranh lành mạnh, triển khai kết nối với Hải Phong một địa phương tiềm năng về du lịch, kinh tế của Bắc Bộ.
Trước những đánh giá, kiến nghị của các DN, ông Trần Hữu Sơn- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, để tăng hiệu quả cho kết nối du lịch các tỉnh, sắp tới 4 tỉnh sẽ có văn bản ký kết chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục khi tiếp nhận các đoàn khách carnavan từ Trung Quốc, mở thêm tuyến ôtô để đáp ứng nhu cầu của khách trong đợt cao điểm du lịch. Đặc biệt, các tỉnh sẽ tích cực mời chào các DN đầu tư, trong đó Lào Cai sẽ “trải thảm đỏ” cho các DN tỉnh bạn đến đầu tư. Ngoài ra, sẽ quảng bá, thông tin một cách mạnh mẽ về du lịch để khách đến với 4 tỉnh thông qua mạng internet. Chú trọng khai thác thị trường khách Trung Quốc, liên kết đào tạo nhân lực du lịch, chú trọng, khuyến khích sự tham gia của DN lữ hành. Các văn bản ký kết kết nối du lịch sẽ được thực hiện và triển khai cụ thể chứ không chỉ là ký kết văn nghệ.
Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết thêm, thời gian tới sẽ có chương trình cụ thể về kết nối du lịch, tiến hành nâng cấp sản phẩm, dịch vụ của từng địa phương, trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh doanh du lịch, kết nối quảng bá tiềm năng du lịch cho 4 tỉnh. Thành lập đường dây nóng thông tin chung cho du lịch của 4 tỉnh. Thống nhất về giá, đảm bảo chất lượng dịch vụ, khuyến mại các tour mới…
Qua đợt khảo sát nâng cấp tour du lịch, lãnh đạo du lịch 4 tỉnh đều thống nhất sẽ tăng cường quản lý Nhà nước, hợp tác chặt chẽ, phát huy thế mạnh sản phẩm của nhau trong xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, biến sản phẩm của địa phương bạn thành sản phẩm của mình nhằm tăng tính hấp dẫn của điếm đến du lịch, thu hút nhiều hơn nữa các thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.
Hoa Quỳnh