Báo cáo kết quả thu hút Đầu tư nước ngoài và tiến độ một số dự án FDI có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Phạm Văn Khương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội cho biết, hết năm 2014, Hà Nội đã thu hút được 3.169 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 26,3 tỷ USD từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn một số dự án FDI trên địa bàn Hà Nội. |
Kết quả này đã đưa Hà Nội đứng thứ ba cả nước về vốn thu hút, sau TP. HCM với 37,9 tỷ USD và Bà Rịa - Vũng Tàu với 26,7 tỷ USD. Trong quý I/2015, đã thực hiện cấp mới và tăng vốn cho 80 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 160,2 triệu USD (tăng 2,6 lần so cùng kỳ 2014).
Có thể nói, các DN FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, với khoảng 15% vốn góp đầu tư trong tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố. Dù có vai trò không nhỏ trong việc phát triển kinh tế Thủ đô, song Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Văn Khương cũng phải thừa nhận rằng, nhiều dự án FDI trên địa bàn thành phố bị chậm tiến độ. Các vướng mắc trong thủ tục cấp phép, giải phóng mặt bằng (GPMB)… làm phiền lòng không ít nhà đầu tư.
Hiện Hà Nội có 33 dự án còn chậm tiến độ do thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất chậm; dự án phải chờ điều chỉnh khớp nối hạ tầng hoặc chờ phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án; vướng về mặt bằng thi công xây dựng… Hơn nữa, một số nhà đầu tư cũng chưa quyết liệt. Cụ thể, trong số 33 dự án chậm tiến độ thì 12 dự án gặp khó khăn về quy hoạch; 8 dự án khó khăn về giải phóng mặt bằng và bàn giao đất; 13 dự án gặp khó khăn do các nguyên nhân khác.
Tại hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai một số dự án FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đánh giá cao cách trao đổi trực tiếp và thẳng thắn về dự án còn đang vướng mắc trên địa bàn TP. Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, việc đối thoại với doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn phải được tổ chức thường xuyên, kiên trì và được thành phố đặc biệt quan tâm. "Trước 30/5, các sở ngành liên quan phải trả lời doanh nghiệp phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo thành phố để có cách thức giải quyết"- Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.