Hà Nội sẽ thanh tra lĩnh vực nhiều nguy cơ tai nạn lao động
Chủ đề của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, sẽ được tổ chức từ ngày 1 - 31/5/2022.
Công tác thanh kiểm tra tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động |
Việc tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động nhằm thúc đẩy chương trình hành động, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, đảm bảo an toàn, duy trì và phát triển sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh.
Năm nay, lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động sẽ kết hợp với Tháng công nhân năm 2022, dự kiến tổ chức vào sáng ngày 28/4, tại Hà Nội.
Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương sẽ phân công, tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gặp hoàn cảnh khó khăn; tổ chức một số đoàn đi thực tế thăm, kiểm tra công tác triển khai.
Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội sẽ phối hợp với UBND thành phố tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động trong các cấp công đoàn Thủ đô; tổ chức gặp măt, tặng quà cho 100 công nhân và gia đình công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay là các cấp công đoàn thành phố sẽ chủ động đề xuất, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra rà soát nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phân xưởng, tổ, đội theo quy định.
Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây dựng, điện, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; công tác khám sức khẻo định kỳ cho người lao động, nhất là người lao động mắc Covid-19; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong việc đánh giá nguy cơ rủi ro, mất an toàn vệ sinh lao động và phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc…
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động gắn với hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5 có trọng tâm, trọng điểm hướng về cơ sở, doanh nghiệp, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền, lợi ích cho đoàn viên và người lao động. Các hoạt động hưởng ứng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid-19.
Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, năm nay, hoạt động chuyên đề an toàn vệ sinh lao động cũng sẽ được đổi mới và tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền cả trực tiếp, trực tuyến tới doanh nghiệp, người lao động...
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; chủ động phòng ngừa, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tăng cường tổ chức hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế trong phòng, chống dịch.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, tại Hà Nội, qua công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng có 40 kiến nghị về những thiếu sót tại các dự án công trình xây dựng về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; phát hiện 41 cơ sở vi phạm về quản lý vệ sinh lao động. Về tai nạn lao động, cơ quan chức năng ghi nhận, phát hiện 275 vụ, làm 298 người bị tai nạn, giảm so với năm 2020. |