Hà Nội tăng cường gần 2.500 lượt xe dịp nghỉ Tết
Theo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 sẽ được nghỉ 3 ngày (từ ngày 30/12/2023 – 1/1/2024) vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai nên lượng khách sẽ tăng nhiều so với ngày thường và tăng cao hơn ngày cuối tuần hàng tuần.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, hiện nay các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động bình quân khoảng 30 - 50% hệ số trọng tải phương tiện, vì vậy lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Một số tuyến cự ly ngắn có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào một số thời điểm trong ngày, do đó cần có dự phòng phương tiện tăng cường theo thời điểm vào chiều ngày thứ Sáu (29/12), sáng thứ Bảy ngày (30/12/2023), chiều ngày 1/1 và sáng ngày 2/1/2024.
Trong khi đó, đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sẽ diễn ra trong khoảng ngày 31/1/2024 đến hết ngày 9/2/2024, vì đây là khoảng thời gian người lao động tự do và sinh viên bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, về quê.
Từ ngày 8/2/2024 cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu đợt nghỉ Tết kéo dài 7 ngày.
Dự kiến lượng khách qua bến xe trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 300% đến 350% so với ngày thường. Với tình hình hoạt động hiện tại của các phương tiện vận tải trên các các bến đang hoạt động bình quân với khoảng 30-50% hệ số trọng tải phương tiện, vì vậy lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Đối với một số tuyến như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai … sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.
Dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ Lễ, Tết là 2.500 xe. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.
Tại bến Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 18.000 lượt/ngày, tăng 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 950 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Tại bến Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 5.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 300% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 500 lượt xe/ngày, chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng trên 18.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 900 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến đường: Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng,…
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội yêu cầu các bến xe phải kiểm tra việc tăng giá vé, cước lệch chiều của các đơn vị vận tải, ngăn chặn việc thu vé cao hơn giá vé đã đăng ký.
Đồng thời, phối hợp cùng các doanh nghiệp vận tải để tổ chức bán vé điện tử, cấp lệnh điện tử theo quy định (yêu cầu các đơn vị bán vé điện tử có phương án bán vé dự phòng cho hành khách trong trường hợp hệ thống phần mềm gặp sự cố) đảm bảo 100% hành khách trên xe khi xe xuất bến phải có vé.
Bên cạnh đó, đề nghị sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Công an TP chỉ đạo tổ chức phân luồng giao thông các khu vực xung quanh bến xe và đặc biệt tại khu vực bến xe phía Nam - Bến xe Giáp Bát do trong thời gian triển khai dự án nút giao Vành đai 2,5 Kim Đồng – Giải Phóng, cho phép xe có phù hiệu xe tăng cường của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được phép đi trong nội thành để đến các bến xe kịp thời giải tỏa khách.