Vẫn còn nhiều tồn tại
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện, trên địa bàn thành phố có 70 CCN đang hoạt động nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã với khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, nộp ngân sách khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, tổng số lao động khoảng 60.000 người. Theo quy hoạch, tổng diện tích của 70 CCN là 1.686ha, trong đó hiện trạng có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định; còn lại khoảng 294ha cần đầu tư hạ tầng bổ sung, hoặc thực hiện giai đoạn 2. Những CCN này đã góp phần đưa việc sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế Thủ đô.
Hà Nội: Tăng cường quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vấn đề xử lý nước thải tại các CCN của Hà Nội khá nhức nhối. Hiện có 26 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải bao gồm: 10 CCN do chủ đầu tư thực hiện. Trong đó, có 7 CCN có trạm xử lý nước thải đang hoạt động bình thường; 2 CCN có trạm xử lý nước thải không hoạt động gồm: trạm xử lý nước thải CCN sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín) có công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải tập trung CCN Tân Triều (huyện Thanh Trì) có công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm; có 1 CCN có hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả do chỉ xây dựng hệ thống thu gom, bể chứa, lắng (CCN Bát Tràng, huyện Gia Lâm).
Hiện có 15 CCN được đầu tư xây dựng 14 trạm xử lý nước thải thuộc Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2015 theo Quyết định số 7209/QĐ-UBND ngày 2/12/2013. Trong đó, có 14 CCN có trạm xử lý nước thải đang hoạt động bình thường; 1 CCN đang hoàn thiện xây dựng hạ tầng trạm xử lý nước thải, chưa lắp đặt thiết bị do lượng nước thải ít, chờ đấu nối với khu dự án phát triển làng nghề Liên Hà. Có 1 CCN do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Phú Điền thực hiện. Hiện đã hoàn thiện xây dựng trạm xử lý nước thải, chưa đầu tư hệ thống thu gom nước thải.
Mặt khác, hầu hết các CCN tại các làng nghề, có quy mô nhỏ, trong đó nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư cũng không có hệ thống xử lý nước thải mà đều xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Liên quan đến những tồn tại trong xử lý môi trường tại các CCN, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - ông Đàm Tiến Thắng - giải thích, trong giai đoạn đầu phát triển CCN trên địa bàn, các địa phương chủ yếu muốn thu hút nhanh các nhà đầu tư nên vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Các CCN vừa tiến hành xây dựng hạ tầng vừa tiếp nhận doanh nghiệp. Phần lớn các CCN trên địa bàn Hà Nội được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, không có quy hoạch trong khi để đáp ứng được các yêu cầu về xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy… đòi hỏi chi phí đầu tư trang thiết bị, hệ thống rất tốn kém nên… đã bị “bỏ qua”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì (đơn vị quản lý CCN Ngọc Hồi), việc quản lý, duy trì hoạt động của CCN Ngọc Hồi cả năm chỉ trông vào nguồn thu khoảng 2,2 tỷ từ tiền dịch vụ công nghiệp và tiền xử lý nước thải nên nếu có sự cố hoặc hỏng hóc gì, cần sửa chữa nâng cấp thì cũng không có kinh phí.
Còn theo ông Liêm Ngô Đức Vân - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp chậm đóng các khoản chi phí sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích trong CCN, do vậy các ban quản lý rất khó khăn trong công tác đôn đốc các doanh nghiệp nộp các khoản chi phí nêu trên nhằm duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của cụm.
Tăng cường quản lý môi trường tại các CCN
Để khắc phục phần nào những bất cập liên quan đến xử lý môi trường tại các CCN, ông Đàm Tiến Thắng cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã lập và triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2014-2015. Qua đó, có thêm 18 CCN hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, xây dựng "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2023", dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng 4.075,3 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng (hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào CCN, nhà điều hành…) cho 56 CCN do Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư (khoảng 1.562,7 tỷ đồng). Ngoài ra, sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư các CCN thành lập mới thuộc địa bàn các huyện khó thu hút đầu tư như Ba Vì, Mỹ Đức...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, tiếp tục tham mưu UBND thành phố trong việc xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, đề xuất cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển đổi chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các CCN do các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của UBND cấp huyện sang các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN và các quy định hiện hành. Hỗ trợ đầu tư nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật các CCN do ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư đáp ứng được các yêu cầu về CCN như: Giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước… Chủ trì trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở dữ liệu về CCN, phối hợp với các sở chuyên ngành để được cung cấp các số liệu quản lý thuộc thẩm quyền về Sở Công Thương.
Hà Nội hướng đến phát triển một mạng lưới CCN được bố trí hợp lý, đầu tư bài bản, đồng bộ để thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh cao và giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường… Đây cũng là tiền đề để tạo đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công, góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.