Giá thực phẩm tương đối ổn định
Theo khảo sát của phóng viên Vuasanca , tại các khu chợ truyền thống Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Phùng Khoang (quận Hà Đông), chợ Thành Công (quận Đống Đa), chợ Cống Vị (quận Ba Đình)…, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, thủy hải sản chỉ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Sau Tết, khi nhu cầu mua sắm của người dân trở lại bình thường, mức giá cơ bản được giữ ổn định.
Tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân), giá cả các mặt hàng thực phẩm nhìn chung đã ổn định trở lại |
Theo các tiểu thương tại chợ Nhân Chính, hoạt động mua bán đầu năm mới chưa sôi động. Các mặt hàng người dân chọn mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả tươi và đồ lễ phục vụ cúng đầu năm...
So với thời điểm giáp Tết, giá các mặt hàng hiện nay nhanh chóng ổn định; trong khi các năm trước, giá thường tăng và giữ trong thời gian khá dài.
Giá thực phẩm không nhiều biến động sau Tết |
Hiện giá thịt lợn dao động 110.000 - 150.000 đồng/kg; thịt bò 250.000 - 280.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn 70.000 - 90.000 đồng/kg; tôm 150.000 - 330.000 đồng/kg; giá trứng gà, vịt dao động từ 27.000 - 32.000 đồng/chục…
Cá cũng là mặt hàng thực phẩm tươi sống được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cụ thể, cá trắm trắng 80.000 - 90.000 đồng/kg, cá trắm đen 120.000-150.000 đồng/kg, cá chép 75.000 - 85.000 đồng/kg.
Thực phẩm tươi sống như cá, tôm được tiểu thương bày bán ở chợ |
Đối với rau xanh, nếu như cùng kỳ tháng trước mặt hàng này tăng nóng tới 30 - 50% thì hiện tại hầu như đã "hạ nhiệt". Cụ thể, các loại rau cải như cải ngọt, cải chip, cải xanh... dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg; cà chua từ 20.000 đồng/kg; khoai tây 12.000 đồng - 18.000 đồng/kg; xà lách Đà Lạt 50.000 - 60.000 đồng/kg; rau cải cúc từ 8.000 - 10.000 đồng/bó; rau cần 10.000 - 15.000 đồng/bó…
"Tôi bắt đầu bán rau từ chiều mùng 2 Tết, nói chung giá rau có tăng nhẹ khoảng 10-15% trong 2 ngày sau Tết, nhưng từ mùng 5, giá rau đã trở lại bình thường", chị Yến, tiểu thương tại chợ Nhân Chính cho hay.
Đa số khách hàng chủ yếu mua thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản... dùng trong bữa ăn hàng ngày |
Nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu
Ghi nhận chung tại các siêu thị như WinMart, Big C, Go!, Co.op Mart, AEON… cho thấy, giá cả trong siêu thị được bình ổn đến sau Tết. Thậm chí, nhiều siêu thị còn tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Khách hàng mua sắm hàng hóa những ngày đầu năm tại siêu thị Winmart |
Chính thức mở cửa trở lại từ ngày 4 Tết, hệ thống siêu thị WinMart triển khai chương trình khai xuân rực rỡ với hơn 300 sản phẩm giá siêu rẻ, cùng các chương trình ưu đãi mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1 và hàng ngàn quà tặng hấp dẫn lì xì cho khách hàng mua sắm trong dịp đầu năm mới.
Hệ thống siêu thị GO!, Big C của Central Retail trên toàn quốc áp dụng chương trình "Giá luôn luôn rẻ"; giảm giá trên 30% với hàng loạt sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cam kết luôn bình ổn giá, mang đến cho khách hàng cơ hội mua sắm thoải mái, tiết kiệm.
Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart từ nay đến hết ngày 28/2, tổ chức chương trình "Hái lộc vàng phú quý cả năm" với hơn 10.000 lì xì may mắn, 1.000.000 điểm thưởng cùng hơn 1.000 mặt hàng giảm giá.
Cụ thể, khách hàng mua sắm tại Co.op Mart trong những ngày đầu năm trị giá trên 500.000 đồng sẽ được tặng ngay lì xì là phiếu mua hàng có mệnh giá lên đến 100.000 đồng. Với chương trình Xúc xắc thần tài phát lộc khai xuân, từ nay đến 25/2): Khách hàng có hóa đơn mua sắm từ 400.000 đồng trong các khung giờ vàng sẽ nhận được những phần quà có giá trị hấp dẫn.
Siêu thị giám giá nhiều mặt hàng để kích cầu người tiêu dùng |
Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trong 8 tuần kinh doanh Tết, toàn hệ thống phân phối của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket đã đón tiếp hơn 20 triệu lượt khách đến tham quan và mua sắm.
"Việc tổ chức những chương trình ưu đãi đang được triển khai tại các siêu thị mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn mua sắm tiết kiệm trong những ngày đầu xuân, năm mới, đồng thời kích cầu tiêu dùng", bà Dung nói.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong Tết Giáp Thìn đã có trên 1.300 điểm bán hàng mở cửa từ các ngày từ mùng 1 đến mùng 6 Tết, các hệ thống bán lẻ hoạt động bình thường. Điều này đã góp phần hạn chế tâm lý tích trữ hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, sau Tết nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng cao. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều chủ yếu vẫn là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản...