Gần 10 ngày qua, hàng nghìn người dân sinh sống tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất (Hà Nội) phải sống trong cảnh ngập lụt do ảnh hưởng mưa lớn từ cơn bão số 2. Ðáng chú ý, sau nhiều ngày không có mưa lớn, mực nước các sông vẫn vượt mức báo động cấp III, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Do ảnh hưởng của bão số 2 và rìa bắc rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 22 đến ngày 29/7, trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) có mưa lớn, tổng lượng mưa gần 480 mm.
Nhiều diện tích hoa màu và nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng do bão số 2. (Ảnh: Hùng Khang). |
Mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Tích dâng cao, gây ngập úng một số khu dân cư, gồm hơn 500 hộ dân trên địa bàn. Trong đó, xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu là địa bàn bị ngập sâu nhất, được ví là "ốc đảo", khi bốn bề đều mênh mông nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, đến 11 giờ trưa 29/7, mưa lũ đã làm ngập gần 790 ha đất sản xuất nông nghiệp; gây sạt lở đê bao Phú Bình, xã Phú Cát và gây ra bốn sự cố sạt trượt mái đê hữu Ðáy tại các xã: Sài Sơn, Ðồng Quang và Tân Hòa. Cung sạt trượt có chiều dài từ 25 đến 30m, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các tuyến đê đang bị ngâm nước dài ngày.
Tại huyện Thạch Thất, mực nước trên sông Tích cũng dâng cao, tại điểm đo ở xã Kim Quan, mực nước sông Tích cao hơn mức báo động cấp III là 26 cm. Mưa những ngày qua làm 500 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện bị ngập úng, trong đó nhiều diện tích ngập trắng và ngập sâu, khiến cây trồng bị úng, chết. Nhiều diện tích ao hồ nuôi cá bị tràn nước, gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Tại huyện Chương Mỹ, lượng mưa từ 7 giờ ngày 22/7 đến 7 giờ ngày 29/7 lên đến hơn 400 mm, kết hợp với nước lũ từ rừng ngang tràn về đã làm mực nước sông Bùi dâng cao rất nhanh.
Thuyền là phương tiện di chuyển chính tại các khu vực ngập sâu. (Ảnh: Đức Minh). |
Tính đến 7 giờ ngày 29/7, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt là 7,40m, cao hơn báo động cấp III là 0,4m; mực nước sông Ðáy tại Ba Thá là 6,30m, dưới mức báo động III 0,3m; mực nước hồ Miễu, hồ Ðồng Sương, hồ Văn Sơn cũng ở mức đỉnh.
Mưa lũ đã làm vỡ hai vai đập tại xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến, làm hư hỏng hơn 600m kênh mương tại các xã Hồng Phong, Phú Nghĩa, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến và 100 cầu, cống, đập nhỏ bị ngập, hư hại... Ðáng chú ý lũ lớn đã làm hơn 4.800m đê thuộc địa bàn 11 xã bị ngập từ 2 đến 90 cm, gây ngập úng 141.450m đường giao thông nội đồng, hơn 34.200m đường giao thông nông thôn và nhiều khu dân cư.
Hơn 1.340 hộ dân ở 24 thôn, xóm bị ngập nhà cửa từ 0,5-2m; hơn 1.500 hộ bị ngập lối đi. Hàng nghìn héc-ta lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lý giải, nước sông Tích chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội), hợp lưu với sông Bùi từ Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chảy về tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ), sau đó nhập vào sông Ðáy tại ngã ba Ba Thá (huyện Chương Mỹ), chảy theo sông Ðáy xuôi về địa bàn tỉnh Hà Nam. Ðối với những trận mưa nhỏ, cục bộ, nước sông tự chảy dựa vào điều kiện địa hình từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, khi có mưa lớn kéo dài xảy ra trên diện rộng, lũ rừng ngang dồn về các sông của Hà Nội trong thời gian ngắn, trong khi mực nước đệm trên các sông đều ở mức cao thì việc tiêu thoát sẽ rất chậm, gây ngập úng kéo dài. Khu vực bị ngập lụt sẽ càng nguy hiểm hơn nếu lũ rừng ngang tiếp tục tràn về.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến khu vực chậm lũ của thành phố, nơi thường xuyên bị ngập lụt, như đầu tư nâng cấp hệ thống đê tả Bùi, đê hữu Ðáy; các trạm bơm tiêu úng công suất lớn; cơ sở hạ tầng, đường giao thông, lắp đặt mạng lưới nước sạch… giúp người dân sống chung với lũ. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, khó lường, ảnh hưởng của mưa lũ đến đời sống người dân ngày càng lớn.
Ðể bảo đảm ổn định cuộc sống người dân vùng chậm lũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại cho biết, thời gian tới thành phố tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Ðáy từ Hà Nội đến Hà Nam để nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất; đồng thời tiến hành giải tỏa vi phạm dọc hành lang các sông và tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đê. Cùng với đó, thành phố nghiên cứu giải pháp đầu tư về hạ tầng, công trình đối với khu vực dân cư để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nhằm tăng sinh kế, nâng cao mức sống cho một bộ phận người dân tiếp tục sống chung với lũ.
Ngày 29/7, tại buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả úng ngập tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động phòng chống lũ lụt của cấp ủy, chính quyền và người dân, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các huyện phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu, nếu cần thiết có thể sơ tán người dân đến nơi ở an toàn. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống. Về lâu dài, phải tính đến phương án bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật... Ðối với những khu dân cư bị ngập lụt sâu, nhất là ở khu vực ngoài đê cần căn cứ vào quy hoạch khu dân cư nông thôn để xem xét, di dời người dân đến nơi ở mới. Chính quyền cơ sở cần làm tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm ngay khi phát sinh, tránh tình trạng phạt cho tồn tại.
Chiều 30/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã thị sát, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và động viên người dân vùng lũ tại huyện Chương Mỹ. Qua nắm bắt thực tế tình hình, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội. Dự báo mưa còn tiếp diễn trong những ngày tới, tình trạng ngập chưa thể cải thiện ngay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ tiếp ứng lương thực, nhu yếu phẩm đầy đủ, kịp thời, tuyệt đối không để người dân bị đói, bị khát, bùng phát dịch bệnh. Khi nước rút, cần khẩn trương vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất. Về lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng phó, thích ứng lũ rừng ngang, mưa lớn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. |