Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển đột phá, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc Việt Nam. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, tỉnh Quảng Ninh đã đi trước, đón đầu, tập trung xây dựng hạ tầng số, từng bước hiện đại phục vụ chuyển đổi số.
Cán bộ BHXH tỉnh tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan BHXH, BHYT tại Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long. Ảnh: Dương Trường |
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đặt ra là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành trong hệ thống chính trị của tỉnh, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, phù hợp quy luật, yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 40 nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, đã có 16/20 mục tiêu hoàn thành, đạt 80%; 4/20 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện đến hết năm 2025, chiếm 20%.
Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã nằm trong nhóm top đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh/thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) năm 2022; đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2023, kết quả công bố cải cách hành chính các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 về chỉ số thành phần Chính quyền số. Tại hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số, Quảng Ninh được ghi nhận và biểu dương là địa phương điển hình trong nhóm top đầu về hạ tầng số…
Người dân huyện Bình Liêu sử dụng các ứng dụng, tiện ích của chuyển đổi số trên điện thoại thông minh được kết nối internet. Ảnh: Song Hà |
Với quan điểm hạ tầng số cần được phát triển đi trước một bước, việc xây dựng hạ tầng số đã được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong từng năm, từng giai đoạn, được lồng ghép vào các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng coi phát triển hạ tầng số, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông. Từ đó, tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm đếm, đánh giá kết quả.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, xây dựng hạ tầng tại địa phương, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Theo thống kê, hiện nay, 100% dân số tại địa phương này được phủ sóng mạng thông tin di động, trong đó phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%, số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người.
Phương thức thanh toán điện tử đang được triển khai hiệu quả, 100% doanh nghiệp điện, nước, viễn thông tại tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi sang sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Toàn tỉnh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, hơn 60.000 tài khoản doanh nghiệp, gần 802.000 tài khoản ví điện tử đã được định danh qua số điện thoại chính chủ.
Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai đến 100% chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn; 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải. 100% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Hơn 2.300 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. 100% số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.
Hiện nay, các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 62,8%) và 372 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 37,2%).
Các kiosk tự động hóa đã được đưa về Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cao Quỳnh |
Để tiếp tục tạo sự tiện lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cùng doanh nghiệp công nghệ triển khai mô hình "Tự động hóa Trung tâm Phục vụ hành chính công thông qua tương tác kiosk" đối với 29 thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền. Khi mô hình này chính thức đưa vào vận hành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, người dân có thể sử dụng kiosk này đăng nhập tài khoản dịch vụ công qua VNeID hoặc số căn cước, nộp thủ tục trực tuyến. Kết quả thủ tục hành chính sẽ được chuyển về bằng đường bưu điện hoặc kết quả bản điện tử được chuyển vào tài khoản dịch vụ công của người dân.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại; triển khai ứng dụng công nghệ thông minh cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; tập trung nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng di động 5G; thí điểm những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số…