Hà Tĩnh: Kiên quyết chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu
Đảm bảo xăng dầu đủ nhu cầu của người dân
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh hiện có 2 kho xăng dầu, trong đó 1 kho của Công ty CP Xăng dầu Vũng Áng, trữ lượng 60.000 m3 và 1 kho của Chi nhánh Công ty CP Thương mại xây lắp và xuất nhập khẩu miền Trung tại Hà Tĩnh - kho xăng dầu Xuân Giang, trữ lượng 9.000 m3.
Cùng với 9 doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; 1 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và 229 cửa hàng bán lẻ (trong đó có 3 doanh nghiệp đầu mối: Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh có 104 cửa hàng (75 thuộc sở hữu và 29 CHXD đại lý); thuộc hệ thống phân phối của Công ty CPXD và DK Vũng Áng là 63 (trong đó sở hữu 21, nhượng quyền 42), Công ty CP Phúc Lộc Ninh là 34 cửa hàng (9 thuộc sở hữu, 25 thuộc CHXD thuộc đại lý) chiếm đến 83,84% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Nguồn cung dồi dào nên đến thời điểm này chưa có cửa hàng nào đóng cửa vì thiếu nguồn hàng.
Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Quảng Hà Tĩnh chủ trì buổi làm việc với với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. |
Cũng tại hội nghị này, Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng đã chỉ ra các hạn chế, tồn tại trong hệ thống phân phối và yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối chấn chỉnh và thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Qua đó, cũng nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định, liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Thực tế thời gian qua, việc quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện và đạt kết quả khá. Các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương được triển khai kịp thời, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu được quan tâm chỉ đạo, thường xuyên liên tục không để xảy ra tình trạng găm hàng chờ giá và hạn chế gian lận thương mại.
Nhìn chung, các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đều có ý thức chấp hành tốt các quy định về kinh doanh xăng dầu; chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, góp phần đảm bảo cung ứng nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị cũng đã tiến hành ký cam kết giữa các đơn vị quản lý nhà nước với Giám đốc các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Đảm bảo nguồn cung
Thời gian qua, mặc dù khó khăn về nguồn cung, giá cả xăng dầu thế giới liên tục tăng nhưng các thương đầu mối phân phối đã đảm bảo duy trì cung ứng, không để đứt gãy nguồn cung.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn, Sở Công Thương Nghệ An đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã và Cục Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm nhất là đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn không bán hàng mà không có lý do chính đáng… và các hành vi khác.
Hà Tĩnh xử lý nghiêm tình trạng trục lợi chờ xăng tăng giá, nếu phát hiện sai phạm. |
Cùng với đó, các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã yêu cầu các Đội quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình. Đến thời điểm hiện tại, không phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu và các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Để đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu diễn biến phức tạp và nhu cầu sử dụng xăng, dầu tăng cao đồng thời phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung nhiều giải pháp như: phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tăng cường công tác giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn. Cùng đó, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; báo cáo kịp thời về tình hình hoạt động cung ứng xăng dầu trên địa bàn về Sở Công Thương khi có bất thường xảy ra để kịp thời báo cáo UBND tỉnh.
Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn dừng bán hàng khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương.
Các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu trên địa bàn chủ động khai thác nguồn hàng và có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các thương nhân kinh doanh có hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định tại của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Về lâu dài, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch làm việc với các đầu mối, đơn vị sản xuất cung cấp xăng dầu đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước cũng như trong tỉnh. Cùng với đó, có chính sách linh hoạt về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu để doanh nghiệp có thể kịp thời nhập khẩu xăng dầu đưa vào tiêu thụ trong nước mà không phải chịu lỗ.
Các doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu cũng đề nghị Sở Công Thương và các cơ quan chức năng kiểm soát việc mua, bán xăng dầu của các thương nhân theo hệ thống phân phối đã đăng ký với Sở Công Thương; kiểm tra phát hiện và xử lý hành vi các thương nhân nhượng quyền bán lẻ mua bán xăng dầu với đối tượng hệ thống phân phối.