Lò đốt rác thải |
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, mỗi năm số lượng rác thải sinh hoạt của riêng khu vực nông thôn Hải Phòng có thể lên tới gần 300 nghìn tấn, trong đó tỷ lệ xử lý đạt khoảng 85%. Năm 2016, 100% các xã, huyện trên địa bàn Hải Phòng đã thành lập các tổ, đội thực hiện xử lý rác thải dưới 3 hình thức: chôn lấp tại bãi rác tạm của xã, xử lý bằng lò đốt và xử lý tập trung, hiệu quả đạt 81%. Đã có các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo hướng xã hội hóa, khu vực xử lý rác thải bằng lò đốt BD - Anpha thí điểm trên địa bàn huyện Kiến Thụy mang lại hiệu quả xử lý với cụm từ 4 - 5 xã cho thấy khả năng mở rộng tới các xã trên địa bàn. Cùng với đó, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật kết hợp với việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn Hải Phòng vẫn còn những tồn tại, việc thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn còn chậm, hiện tại cũng mới chỉ có 01 khu xử lý chất thải rắn tập trung 6ha tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên vẫn đang trong quá trình xây dựng (rác thải chủ yếu được xử lý dưới hình thức chôn lấp tại chỗ, không hợp vệ sinh, việc phân loại xử lý rác sinh hoạt ngay tại nguồn chưa hiệu quả) việc vận chuyển rác từ ga tập kết về khu xử lý còn gặp nhiều khó khăn và mất nhiều kinh phí, nguồn ngân sách bố trí thực hiện vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn còn hạn chế chưa đáp ứng được kế hoạch thực hiện…
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng tài nguyên và môi trường các huyện, chi cục phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng cùng các ngành chức năng đã lên kế hoạch kết hợp thực hiện một số giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Đề xuất mô hình phân loại rác đầu nguồn gắn liền quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo định hướng xã hội hóa, phát huy nguồn lực trong dân, kinh phí ngân sách mang tính hỗ trợ, đồng thời điều chỉnh quy định mức phí và công tác quản lý, sử dụng phí vệ sinh nông thôn đảm bảo phù hợp với giai đoạn mới theo thực tiễn địa phương. Áp dụng các cơ chế ưu đãi về thuế, về tín dụng và quyền sử dụng đất, để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn.
Trên thực tế, nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải, cải thiện môi trường nông thôn cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng, đến năm 2020 lượng rác thải nông thôn có thể lên tới hơn 1.000 tấn/ngày, đồng thời cũng gia tăng về thành phần và tính chất độc hại, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển chung trên mọi mặt của toàn thành phố.