Hạn chế trục lợi bảo hiểm y tế
Tăng cường quản lý, giám sát công tác KCB thông tuyến, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh |
Tỷ lệ tham gia BHYT và KCB bằng thẻ BHYT tăng nhanh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo quy định của Luật BHYT, người tham gia BHYT có thể đến KCB ngoài nơi đăng ký KCB ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) mà không cần giấy giới thiệu chuyển viện (gọi đơn giản là “thông tuyến”). Kết quả 2 năm triển khai thực hiện quy định này tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, năm 2015 tăng 76% (69.972.000 người); năm 2016 là 81,7% (75.832.000 người). Cùng với đó, số lượt KCB BHYT cũng tăng cao (năm 2015 có 130 triệu lượt người, năm 2016 là 148 triệu lượt).
“Điều này cho thấy các quy định của luật thực sự đi vào cuộc sống và những giải pháp trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân là khả thi” - Bộ trưởng Tiến đánh giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh, thông tuyến tạo nên sự công bằng hơn trong cung cấp dịch vụ KCB BHYT giữa cơ sở y tế công và tư. Do thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ KCB BHYT, nên tần suất KCB/thẻ BHYT của người tham gia BHYT tăng nhanh, đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến huyện (năm 2016 đã tăng lên gần 20% so với năm 2015).
Có dấu hiệu lợi dụng chính sách
Theo bà Nguyễn Thị Minh, tồn tại, hạn chế khi thực hiện quy định thông tuyến là không thể tránh khỏi. Cụ thể, số người có thẻ BHYT sử dụng dịch vụ y tế tại trung tâm y tế tuyến xã giảm mạnh (năm 2016 giảm 14,1% so với năm 2015) trong khi tỷ lệ này ở tuyến huyện tăng cao (năm 2016 so với năm 2015 tăng 27,7%). Việc gia tăng này dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến huyện trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực còn hạn chế nên ảnh hưởng không tốt đến chất lượng KCB.
Bên cạnh đó, theo bà Minh, việc quản lý quỹ KCB BHYT của các cơ sở KCB có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu gặp khó khăn do không quản lý được số lượng bệnh nhân đi KCB tại cơ sở khác. Trên thực tế, đã diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở tư nhân bằng các hoạt động, như: Khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí KCB BHYT.
Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB, như: Tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...; người bệnh BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy thuốc”.
“Tại TP. Hồ Chí Minh xuất hiện cả các trường hợp cư trú tại tỉnh khác nhưng hàng ngày đến khám, lĩnh thuốc tại nhiều bệnh viện quận/huyện của thành phố” - bà Minh lo ngại.
Bộ Y tế cho biết, sẽ cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát để thực hiện thông tuyến hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, xử phạt nghiêm các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT theo quy định của pháp luật. |