Hạn hán tại Hoa Kỳ đẩy giá nông sản tăng vọt
USDA thông báo: Các khu vực trồng trọt khô hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng nông sản Ảnh: P.T.O
- Giá các loại nông sản này đã tăng gần 30% kể từ đầu năm tới nay.
Hôm 18/7, giá ngô ngắn hạn trên thị trường Chicago lên tới 7,71 USD/bushel (27 kg), do thời tiết khô hạn dẫn tới sinh trưởng và phát triển của ngô và các nông sản khác kém đi trông thấy ở khu vực đông bắc Hoa Kỳ. Thời tiết nắng nóng đồng thời cũng tác động mạnh tới giá đậu tương, hiện cũng đã lên đến 15,9 USD/bushel, tăng 31,2% và giá lúa mỳ cũng ở trong tình trạng tương tự - chạm mốc 8,85 USD/bushel, tăng 26,1%. Giá lúa mỳ tăng cao còn do tác động bởi tình hình thời tiết đang xấu đi tại khu vực biển Đen.
USDA cũng đã giảm dự báo sản lượng thu hoạch các loại nông sản nói trên. Mặc dù lĩnh vực nông nghiệp của Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,2% trong tổng GDP cả nước, nhưng đây lại là một trong các nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngô, lúa mỳ và đậu tương. Trong đó, sản lượng ngô chiếm tới 40% tổng lượng ngô thu hoạch của toàn cầu. |
Cùng ngày, Cục Khí tượng hải dương học Hoa Kỳ thông báo, có khoảng 55% diện tích giao trồng nông nghiệp của nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt nắng nóng trong tháng 6 vừa qua. Đây là một tỷ lệ diện tích gieo trồng bị hạn hán cao nhất kể từ năm 1956. Trong một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp (USDA) cho thấy, các khu vực trồng trọt đã bị khô hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng nông sản, thiêu cháy các đồng cỏ, tác động tiêu cực đến chăn nuôi gia súc. Đã có hơn 1.000 hạt trong 26 bang được xếp vào thảm họa thiên nhiên.
“Thu hoạch các loại nông sản kể trên bị giảm mạnh sẽ dẫn tới hậu quả làm tăng giá lương thực thực phẩm” - ông Michael Swanson, chuyên gia nông nghiệp của Well Fargo đã phát biểu như vậy với hãng Bloomberg. USDA thẳng thắn thừa nhận: Chỉ có 31% diện tích gieo trồng ngô ở vào điều kiện tốt, giảm so với 40% của tuần trước. Tình hình tương tự cũng diễn ra với đậu tương từ 40% xuống 34%. Trong bối cảnh như vậy, các nhà đầu cơ nông sản quả quyết rằng, xu hướng tăng giá nông sản trong thời gian tới là không thể đảo ngược.
Trong một diễn biến khác, năm 2010, Liên bang Nga ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ để kìm sự tăng giá trong nước do hạn hán làm giảm hơn 30% sản lượng. Hiện tại họ đang cố chứng minh cho các thị trường thấy rằng lệnh cấm đó hoàn toàn bị dỡ bỏ, thế nhưng hạn hán xuân hè ở các vùng sản xuất và xuất khẩu chủ yếu ở khu vực biển Đen làm giảm năng suất lúa mỳ đã làm dấy lên các tin đồn về một lệnh cấm xuất lúa mỳ mới sẽ ban hành trở lại (!?).
Vậy tác động của việc tăng giá lúa mỳ, ngô và đậu tương đối với Chilê ra sao?
Theo nhận xét của các nhà kinh tế, việc giá lúa mỳ, ngô và đậu tương tăng cao trên phạm vi toàn cầu sẽ tác động tới lạm phát giá lương thực thực phẩm tại quốc gia này trong 2-3 tháng tới. Ông Luis Felipe - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Chilê - khẳng định, nếu việc tăng giá các nông sản, nhất là lúa mỳ vẫn tiếp tục hiện hữu thì việc xảy ra lạm phát giá nhóm hàng lương thực thực phẩm; đặc biệt là giá bánh mỳ là điều hiển nhiên, mặc dù trong 2 tháng qua, tại Chilê, giá nhóm hàng này đã giảm. Hầu hết các nhà kinh tế đều có chung nhận định, với việc tăng giá nông sản như đã đề cập ở trên, trong các tháng tới chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với việc tăng giá bánh mỳ cũng như các chế phẩm từ ngô và đậu tương, không loại trừ cả giá gạo.
Hàng năm Chilê nhập khẩu khoảng 50% lượng lúa mỳ cho nhu cầu nội địa. Các nhà sản xuất và phân phối bánh mỳ nói rằng, nguyên liệu bột mỳ chiếm 80% chi phí giá thành sản xuất bánh mỳ. Giá lúa mỳ tăng trên 26% cũng đông nghĩa với việc giá bánh mỳ sẽ tăng tương ứng. Ông Luis Mayol - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Chile cho biết, giá lúa mỳ tăng trên phạm vi toàn cầu, đương nhiên giá bánh mỳ cũng sẽ phải tăng theo. Còn ông Pedro Jofre - Giám đốc điều hành liên doàn các nhà sản xuất bánh mỳ Chilê - nhận xét, thị trường bánh mỳ Chilê rất cạnh tranh, tuy nhiên, khi giá các nguyên liệu cấu thành tăng cao như bột mỳ, các chủ sản suất và phân phối buộc phải tăng giá bán cho người tiêu dùng. Ông còn khẳng định, hiện đã có nhiều nhà sản xuất và kinh doanh bột mỳ đã tăng giá bán.
Trần Đình Văn - Tham tán Thương mại tại Chilê (E-mail từ Santiago)
(Theo Bloomberg; báo La Tercera, Chile ngày 18,19/7)