Ngày 11-11 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đã tổ chức hội nghị nhìn lại một năm thực hiện cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt do Bộ Chính trị phát động.
Doanh thu tăng đáng kể
Hiệu quả rõ nhất là doanh thu của hàng Việt đã tăng đáng kể, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn hay các hội chợ, triển lãm hàng Việt liên tục đạt được ngưỡng doanh thu mới cao hơn. Từ những hoạt động này, thói quen tiêu dùng của người dân và nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước đã dần thay đổi.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết khi người dân quay sang ủng hộ và tiêu dùng hàng Việt, trên thị trường lại xuất hiện tình trạng hàng nhập khẩu dán chồng nhãn hàng VN chất lượng cao hoặc thêm dòng chữ “Made in VN”.
Một số doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc, nhập hàng Trung Quốc về dán nhãn hàng Việt để bán. Kết quả điều tra của BSA trong năm 2009 tại thị trường tỉnh Trà Vinh cho thấy 80% hàng dệt may là hàng Trung Quốc, trong đó 50% dán mác “Made in VN”.
Hàng Việt Nam đang dần được người tiêu dùng trong nước ưu tiên lựa chọn. Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện tượng nói trên chứng tỏ hàng Việt đã bước đầu lấy được lợi thế trên sân nhà nhưng đó cũng là khó khăn mới cho các doanh nghiệp trong nước. Ông Nguyễn Ngọc Giao, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết từ khi thực hiện cuộc vận động đã phát hiện 30% sản phẩm của Công ty giấy Sài Gòn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái khiến doanh nghiệp rất đau đầu.
Ông Lưu Sông Hùng, Giám đốc bán hàng Công ty Nhựa Chí Thành VN (sản xuất mũ bảo hiểm), cho rằng có 3 tác nhân để cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thành công. Đó là doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm tốt nhất, người tiêu dùng hưởng ứng trên cơ sở giá cả, chất lượng phù hợp và Nhà nước có cơ chế bảo vệ thị trường nội địa. Hiện nay, tác nhân thứ 3 rất cần được tăng cường.
Vẫn còn nghịch lý
71% người tiêu dùng tin vào hàng VN Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2010, đã có 68 đợt đưa hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách tham quan, mua sắm; tổng doanh thu bán hàng đạt gần 1.500 tỉ đồng. Số doanh nghiệp có hàng VN chất lượng cao ngày càng tăng dần. năm 2008 có 485 doanh nghiệp được bầu chọn, đến giữa năm 2010 lên đến 776 doanh nghiệp. Qua kết quả thăm dò của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu FTA VN, 71% người tiêu dùng tin vào hàng VN. Qua nhiều tháng vận động, số lượng chủng loại mặt hàng VN trong các siêu thị chiếm đến 70% – 80%. (Nguồn: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) |
Ông Hà Phước Lập, Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), nêu một nghịch lý khó tin: Doanh nghiệp trong nước phải nhập cao su trong khi cao su trong nước lại xuất khẩu. Hằng năm, Tập đoàn Cao su VN chỉ bán một lượng nhỏ cao su cho các doanh nghiệp trong nước vì còn ưu tiên xuất khẩu.
Vì vậy, để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp trong nước phải mua cao su của tư nhân hoặc nhập khẩu từ Campuchia. Vì vậy, DRC có nguy cơ phải đóng cửa trong quý I/2011 vì không có nguyên liệu để sản xuất.
Bà Trần Thị Thu Hiền, đại diện Công ty May Nhà Bè, cho biết còn quá nhiều thủ tục nhiêu khê trong việc đưa hàng Việt ra thị trường. Thí dụ, mỗi tháng, Công ty May Nhà Bè mở vài cửa hàng bán sản phẩm và mỗi lần như vậy, theo thủ tục, công ty phải xin sửa đổi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh những nỗ lực tổ chức các hoạt động vì hàng Việt, BSA kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp với các hoạt động không bị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cấm như thông tin, đào tạo, tổ chức sự liên kết, bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới.
Trong thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài được nhà nước của họ hỗ trợ rất nhiều về thông tin nghiên cứu thị trường và huấn luyện đào tạo. Còn ở VN, do mới vào WTO, chưa hiểu luật nên sợ phạm luật, không dám làm. Như thế là tự trói doanh nghiệp trong nước.
Theo NLD