Hàng rào nào ‘cản bước’ xuất nhập khẩu những tháng cuối năm?
Đâu là yếu tố bất lợi của xuất nhập khẩu?
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2024 (1-15/8) đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm 4,24 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 68,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất nhập khẩu hàng hoá đang tăng trưởng tương đối tốt (Ảnh: Cấn Dũng) |
Xuất nhập khẩu đang có nhiều dấu hiệu tích cực, song cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn không nhỏ. Trong đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine và Israel – Hamas trực tiếp tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo nên nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Thêm vào đó, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Việc này khiến chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba. Đây là một trong những khó khă rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Chưa kể, Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá, EC và Đài Loan (Trung Quốc) xem xét điều tra chống bán phá giá đối với một số nhóm hàng của Việt Nam cũng là những bất lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này. Điều này làm cho các doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan không chỉ phải chuẩn bị hồ sơ phục vụ điều tra, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa mà còn tác động trực tiếp đến quy mô và sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; Những tác động tiêu cực của bệnh dịch, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; Thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Hoá giải thách thức
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, thời gian qua, một trong những hoạt động được Bộ Công Thương triển khai mạnh chính là cảnh báo sớm phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá khó khăn như hiện nay, Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài bám sát thông tin thị trường, tiếp tục làm tốt việc cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp trước các rào cản phòng vệ thương mại.
“Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá đang được hưởng lợi từ các FTA như hiện nay, việc các thị trường dựng lên rào cản thương mại cho hàng Việt sẽ tiếp tục là xu hướng không thể đối khác” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ rõ.
Đặc biệt, hệ thống các FTA với hơn 60 thị trường vẫn đang mở rộng cơ hội cho các ngành hàng, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan trong thời gian tới. Song các thị trường ngách, các thị trường nhỏ đầy tiềm năng trong các thị trường lớn cũng là “mảnh đất” không thể bỏ qua khi khu vực này chưa dựng lên các rào cản thương mại đối với hàng hoá Việt.
Theo đó, có thể xuất khẩu đến Trung Quốc, nhưng cần tập trung hơn vào các địa phương. Các quốc gia châu Âu, châu Mỹ cần hướng thị trường đến các bang - cấp địa phương, cấp vùng của quốc gia… Do đó, cần phải liên kết giữa các địa phương, liên kết các Sở, các doanh nghiệp với nhau cũng như liên kết ngang, liên kết dọc.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp chỉ rõ: “Trong định hướng xuất khẩu của ngành nông nghiệp thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng xúc tiến thương mại vào sâu các địa phương của nước bạn nhằm mở rộng thị trường cho hàng Việt hơn”.
Song song với đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn cần chú trọng chế biến sâu. Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất FDI - chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia đang đóng góp khoảng 85% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hoá. Đây là giải pháp bắt buộc để xuất khẩu hàng hoá bền vững.