Hàng Việt Nam: "Đem chuông đi đánh xứ người" - Kỳ 1: Quả ngọt từ những Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài
Tiềm năng nào cho hàng Việt tại hệ thống phân phối nước ngoài?
Những ngày tháng 9/2019, sắc đỏ và vàng đã bao trùm hệ thống 10 siêu thị Tops Market của Tập đoàn Central Group tại Bangkok (Thái Lan) nơi diễn ra sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2019. Với bao bì bắt mắt, hương vị đặc trưng, phở là một trong những loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng. Mỗi ngày chuỗi siêu thị Tops Market bán ra từ 100 – 200 sản phẩm, nhờ sự tương đồng nhưng cũng rất đặc trưng so với các sản phẩm tương tự của Thái Lan.
Gian hàng Việt Nam tại siêu thị Tops Market |
Bà Pimjai Navanukroh – Giám đốc chuỗi siêu thị Tops Market – cho biết, hệ thống đang nhập khoảng 500 đầu sản phẩm Việt Nam. Bán chạy nhất là phở ăn liền Vifon, tiếp đến là cà phê Trung Nguyên, thanh long… Sản phẩm thực phẩm của Việt Nam nhập vào hàng năm tăng 10%.
Có lẽ hiện nay, thấy một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hiện diện trên kệ của một kênh siêu thị nước ngoài không còn là điều hiếm. Nhưng ngược về thời gian cách đây gần 10 năm, khi Tuần hàng Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài mới hiểu tại sao, cái tên một thương hiệu thuần Việt được phát ra từ một doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài lại mang nhiều ý nghĩa đến thế.
Từng là đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp – đơn vị giữ vai trò mở đường cho sự kiện Tuần hàng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ở trời Âu năm 2011, ông Nguyễn Cảnh Cường – Nguyên Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Pháp từng chia sẻ rất thật lòng với phóng viên báo Công Thương, hàng tiêu dùng Việt Nam có thế mạnh như giá cả phải chăng, hương vị đậm đà bản sắc, phương thức thanh toán linh hoạt. Bên cạnh đó, theo thống kê từ các cơ quan chức năng của Pháp, lượng người Việt Nam sinh sống tại Pháp đang vào khoảng gần 500.000 người. Điều này cũng tạo nên một số thuận lợi nhất định cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Pháp xét từ phương diện nhu cầu. Bởi người Việt Nam tại Pháp sẵn sàng mua sản phẩm Việt Nam khi họ chọn lựa với hàng của các nước khác có chất lượng và giá cả tương đương. Đồng thời, nhiều doanh nhân Việt kiều tại Pháp đã hỗ trợ phân phối hàng Việt cho cộng đồng Việt kiều cũng như cho toàn thị trường tại quốc gia này.
“Nước mắm Phú Quốc là loại thực phẩm được hầu hết gia đình Việt Nam tại Pháp ưa chuộng và sử dụng hàng ngày. Cà phê Trung Nguyên và một số mặt hàng khác cũng vậy… Lượng người Việt tại Pháp đông đảo là lợi thế cho hàng Việt chiếm lĩnh sâu thị trường này. Đặc biệt hơn là nhiều người Pháp sau khi đến Việt Nam du lịch hoặc được bạn bè người Việt mời dùng sản phẩm Việt Nam có xu hướng tìm mua các sản phẩm này sau khi trở về Pháp. Điều này không những giúp hàng hóa Việt Nam lan tỏa trong cộng đồng người Việt tại Pháp mà còn trong cộng đồng người Pháp nói chung. Vậy tại sao ta không xuất khẩu hàng Việt ra nước ngoài bằng chính thương hiệu Việt ?” - ông Nguyễn Cảnh Cường đặt câu hỏi.
Chính vì vậy, Tuần hàng Việt Nam tại Pháp đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011, tại siêu thị Big C của Tập đoàn Casino tại Paris (Pháp) – mở đầu cho chuỗi sự kiện Tuần hàng Việt tại nước ngoài được tổ chức liên tục từ đó đến tại tại Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… nhằm mục tiêu đưa hàng hóa thương hiệu Việt vào thẳng các kênh bán lẻ nước ngoài, tiếp cận với người tiêu dùng nước ngoài bằng thương hiệu của chính mình. Bắt đầu từ một sự kiện nhỏ, hiệu quả truyền thông lan dần và nhiều sản phẩm Việt Nam như bánh đa nem, bánh phồng tôm, miến, bún khô, các sản phẩm tôm, cá, nước mắm, quần áo, giày dép, đồ gỗ... đã thâm nhập và ngày càng gia tăng thị phần tại Pháp thông qua hệ thống siêu thị Thanh Bình của Việt Nam và một số siêu thị khác. Nhiều sản phẩm khác như cà phê Trung Nguyên, phở Vifon, sữa Vinamilk… cũng đã hiện diện ở nhiều siêu thị lớn như AEON, Big C, Lotte, Đồng Xuân… ở nước ngoài.
Hàng Việt Nam ở siêu thị Đồng Xuân (Đức) |
Chính sách đúng tạo cú huých cho hàng Việt
Đưa hàng Việt ra nước ngoài bằng chính thương hiệu Việt là một trong những thành quả lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế - một trong những định hướng quan trọng của Đảng đã được đề ra từ nhiều năm nay. Cụ thể, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện và sâu sắc mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc và một cục diện, trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó các nước có chế độ chính trị khác nhau vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau. Đảng đã nhận thức rõ rằng bối cảnh đó là điều kiện để chúng ta phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở.
Từ mốc đầu tiên đó, những năm qua, hàng loạt các chủ trương của Đảng được triển khai đã coi “hội nhập quốc tế là định hướng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Giai đoạn 5 năm gần đây gắn liền với việc Chính phủ đã triển khai nghiêm túc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về “Hội nhập quốc tế”, trong đó xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhờ đó, nước ta đã đạt những kết quả quan trọng nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo...
Những kết quả này đã khẳng định chủ trương, chiến lược đúng đắn của Đảng và vai trò quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.
Đến nay, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật khi GDP tăng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 400 tỷ USD và dần tiến tới mốc 500 tỷ USD, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối chỉ đạo của Đảng.
Hàng Việt Nam hiện diện ở chuỗi siêu thị của Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) tại Tuần hàng Việt Nam tại Singapore năm 2018 |
Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, quan trọng hơn, việc đưa hàng hóa Việt ra nước ngoài bằng thương hiệu Việt Nam là điều các cơ quan chức năng hướng tới. Chính vì vậy, cùng với hiệu quả từ Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức lần đầu từ năm 2011, ngày 2/9/2015, để tiếp sức cho hoạt động này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020, hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Chia sẻ về đề án này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, khi ta muốn xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thì có nhiều biện pháp. Ví dụ, doanh nghiệp hiện nay có thể thông qua các doanh nghiệp thương mại đầu mối rồi họ bán ra cho các đơn vị khác, trong đó có siêu thị. Nhưng nếu ta trực tiếp bán hàng cho siêu thị thì ưu điểm lớn nhất là khi tập đoàn đó đã chấp nhận hàng hóa của ta thì hàng hóa sẽ được chấp nhận ở tất cả hệ thống phân phối của họ trên toàn thế giới. Ta cũng đang yếu về thương mại quốc tế, tiềm lực quảng cáo, quảng bá các sản phẩm của mình nên thông qua các hệ thống này đã trực tiếp đưa hàng háo đến người tiêu dùng nên việc tiêu dùng sẽ rất tốt.
“Ngoài ra, một điểm quan trọng nhất là khi đã bán cho siêu thị nước ngoài chính là ta đảm bảo chứng minh được chất lượng và giữ được thương hiệu cho hàng hóa đó. Đây cũng là một bước tốt để ta xây dựng được thương hiệu hàng hóa Việt Nam và thương hiệu quốc gia Việt Nam” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.