Theo số liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, trong năm 2014, Malaysia đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 1,16 tỷ USD sang Thổ Nhĩ Kỳ. Những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là mỡ hoặc dầu động vật và thực vật (256 triệu USD tương đương 22,1%), máy móc và thiết bị (194 triệu USD - 16,74%), sợi filament nhân tạo (117 triệu USD - 10,12%), cao su và các sản phẩm bằng cao su (113 triệu USD - 9,81%).
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 1,5 tỷ USD sang Thổ Nhĩ Kỳ; tuy nhiên phân nửa trong số này là mặt hàng điện thoại di động và linh kiện (707 triệu USD). Trong số các mặt hàng còn lại, xơ sợi (240 triệu USD), cao su (35 triệu USD) - vốn đã chiếm tỷ trọng thấp - giờ đây sẽ càng khó có thể cạnh tranh với hàng hóa Malaysia bởi mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn từ Malaysia. Cụ thể hơn, mức thuế tối huệ quốc của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nước thành viên WTO cho mặt hàng cao su là 2,5%, thuế suất ràng buộc là 23%; trong khi với Malaysia là 0%. Mặt hàng cao su là mặt hàng thuộc nhóm nông lâm thủy sản có kim ngạch lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặt hàng cao su của Việt Nam đối mặt với việc bị giảm lợi thế cạnh tranh
Cũng số liệu năm 2014, một trong những lý do chính giúp xơ sợi dài (mã HS 5402) từ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ (5,5%) so với năm 2013 là việc phía Malaysia đã bị điều tra chống bán phá giá với nhóm hàng này từ tháng 4/2013 và áp đặt thuế từ tháng 10/2014, thì nay mặt hàng này của Việt Nam cũng đã bị điều tra từ tháng 5/2015. Nếu kết quả điều tra tương tự như vụ điều tra chống bán phá giá với xơ sợi ngắn (thuộc chương 55) thì kim ngạch của nhóm xơ sợi dài (thuộc chương 54) sẽ khó giữ được mức gần 137 triệu USD như năm 2014 mà có thể sụt giảm đến mức hầu như không xuất khẩu được, tương tự như đã xảy ra với xơ sợi dài trong những tháng đầu năm 2015 (trong 5 tháng chỉ còn 2,4 triệu USD đối với mã HS 5409 từ mức 133,5 triệu USD trong năm 2013). Trong khi đó, Malaysia không những có mức thuế thấp hơn Việt Nam trong vụ chống bán phá giá do là nước có nền kinh tế thị trường mà chắc sẽ còn được cắt giảm thấp hơn sau khi FTA giữa Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực thi hành.
FTA này được cho là yếu tố quan trọng trong mục tiêu đạt 5 tỷ USD tổng kim ngạch hai chiều giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia vào năm 2020. Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia là ông Mustapa Mohamed đã đưa thông cáo chính thức vào ngày 16/7 để nói về tầm quan trọng của hiệp định này đối với các nhà xuất khẩu của hai nước: “Cả Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xóa bỏ và áp trần ràng buộc đối với 70% các dòng thuế quan khi FTA bắt đầu có hiệu lực. Sau khi hiệp định được thực thi trong khoảng thời gian là 8 năm, các khoản thuế sẽ được giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn đối với 86% các dòng thuế quan”.
Với FTA mới này, các nhà xuất khẩu Malaysia sẽ được hưởng lợi khi các mặt hàng dệt may, hóa chất, sản phẩm sắt thép, máy móc, sản phẩm gỗ, sản phẩm bằng da và tất cả các sản phẩm bằng cao su đều sẽ được miễn thuế nhập khẩu từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn xóa bỏ các loại thuế bổ sung (nằm trong khoảng từ 20 tới 30%) đối với các mặt hàng dệt may và giày dép.