Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường UBND TP. Hà Nội, chất lượng không khí (AQI) tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tiếp ở mức rất xấu (đỏ) và nguy hại (tím), đe dọa đến sức khỏe con người. Thêm vào đó, những năm gần đây, xếp hạng ô nhiễm không khí của TP. Hà Nội không ít lần đã lọt vị trí số 1 toàn cầu. Không riêng Hà Nội, không khí ở TP. Hồ Chí Minh qua đo đạc quan trắc cũng phát hiện một số nơi ô nhiễm. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng |
Trước tình trạng này, để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy KTXH phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Theo đó, nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Đối với các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao ô nhiễm không khí như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn, cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về chất lượng không khí cho nhân dân. Ngoài ra, đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải. Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường trong thành phố. Các đô thị lớn cũng cần điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài, gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.
Đặc biệt, tăng cường rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng từ nay đến giữa năm 2021, để các cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày chất lượng không khí ở ngưỡng xấu, người dân nên hạn chế ra đường. Vệ sinh mũi, họng, mặt bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Trồng cây xanh trong quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Người tham gia giao thông cần đeo khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2.5. |