Hành hương Tây Thiên
- Đầu xuân Nhâm Thìn, tôi có chuyến hành hương Tây Thiên (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Mặc dù chưa phải là dịp chính lễ (15/2 âm lịch), song lượng khách đổ về đây đã lên đến hàng vạn người, bởi Tây Thiên không chỉ là vùng đất linh thiêng mà còn là danh lam thắng cảnh “sơn thủy hữu tình”.
Tây Thiên là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” từ năm 1991. Với diện tích khoảng 148 ha, quần thể di tích này nằm trong vùng đa dạng sinh học: Gần 500 loài thực vật, 300 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm.
Bước vào đền Thỏng dưới chân núi, chúng tôi được chiêm ngưỡng rễ của cây đa chín cội đứng sừng sững thách thức với thời gian và trở thành “vị thần gác cửa” uy nghiêm cho ngôi đền. Đền Cậu được xây dựng ngay trong lòng núi, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Rồi thác Bạc, đầm Sen, ao Dứa, núi Rùng Rình… đều là những nét riêng chỉ có ở nơi đây. Sườn núi có chùa Tây Thiên trúc xanh, thông biếc, trên đỉnh núi có chùa Đồng cổ. Từ phía tả khe Giải Oan lên núi đến hồ Sen, có nhiều hòn đá với hình dáng kỳ lạ và sen đỏ hoa nở bốn mùa. Suối từ Chùa Đá tỏa ra một bên là suối Bạc, một bên là suối Vàng, bao quanh ngôi Chùa Đá có tường và nóc bằng đá, trần có khắc chữ Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Từ). Suối Bạc và suối Vàng hợp nhau ở hồ Sen rồi quanh co chảy xuống hợp với khe Giải Oan... Tất cả tạo nên một khu di tích, danh lam thắng cảnh Tây Thiên không chỉ có giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc mà còn là một chốn bồng lai với cảnh quan “sơn thủy hữu tình” hấp dẫn du khách và phật tử thập phương. Nét độc đáo của văn hóa tín ngưỡng tại Tây Thiên là sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì vậy, mảnh đất này trở thành nơi du khách thỏa ước nguyện “đến với Phật, về với Mẫu” để tìm lại sự tĩnh tại trong tâm hồn.
Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, Tây Thiên được coi là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Vào khoảng 2.300 năm trước Công Nguyên, nơi đây đã có “Tây Thiên cổ tự”. Trải qua các triều đại phong kiến cường thịnh như: Lý, Trần, Lê, Tây Thiên đã trở thành một trung tâm Phật giáo của cả nước. Xác định đây chính là cái nôi của Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm trên nền chùa cổ Thiên Ân. Khi xây dựng Thiền Viện, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy hàng ngàn hiện vật có niên hiệu từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và các di chí khảo cổ về Phật giáo minh chứng chốn tổ Phật giáo nơi đây.
Vừa đi vừa ngắm cảnh và cầu nguyện, chúng tôi đã lên tới đỉnh núi Thạch Bàn - nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên (Hoàng Phi Lăng Thị Tiêu của Vua Hùng thứ bảy). Theo sử sách chép lại, Hoàng phi Lăng Thị Tiêu đã cùng vua mở mang bờ cõi thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Hình tượng Quốc Mẫu Tây Thiên thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, sức sống vô biên của đạo Mẫu Việt Nam che chở cho con cháu, núi rừng, dòng suối, giữ gìn mảnh đất quê hương.
Chuẩn bị cho mùa lễ hội, Ban quản lý lễ hội Tây Thiên đang gấp rút hoàn thành việc tu bổ, đảm bảo an ninh trật tự, hệ thống dịch vụ, đáp ứng du lịch tâm linh, tín ngưỡng, sinh thái của du khách… Tin vui đối với các phật tử, con đường lên Quốc Mẫu Tây Thiên rất khó đi, năm nay đã có hệ thống cáp treo của Công ty Cổ phần Lạc Hồng – Tây Thiên đưa vào phục vụ.
Lễ hội Tây Thiên năm nay được tổ chức trong 3 ngày 15-16-17/2 âm lịch, với phần lễ tế trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc như: Rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết về Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất giang sơn. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như: Thi nấu cơm, làm bánh chưng, bánh giầy, chọi gà, đu tiên, cờ người, vật cổ truyền…
Phạm Tiệp