CôngThương - Tiếp chúng tôi tại gian trưng bày sản phẩm tranh thêu nghệ thuật ở số 1 Trương Công Định (TP.Đà Lạt), nghệ nhân Hữu Hạnh đầy hào hứng khi nói về nghề thêu – cái nghề đã gắn bó với chị từ khi còn là 1 cô bé, đến khi đi làm thuê, làm cô giáo dạy thêu, rồi mở xưởng thêu làm kĩ thuật cho các công ty nước ngoài, lập nên HTX Mỹ nghệ Hữu Hạnh.
Tính đến nay, HTX Mỹ nghệ Hữu Hạnh có hơn 100 lần tham gia triển lãm trong và ngoài nước với hàng nghìn tranh bán ra, được đông đảo người yêu nghệ thuật đón nhận. Cá nhân chị Hạnh đã nhận được thư cảm ơn của chính ngài Tổng thống Pháp Jacques Chirac cho bức tranh thêu chân dung của ông (năm 1999). Mới đây nhất, tháng 1/2011, HTX Hữu Hạnh chính thức “trình làng” những bức tranh thêu 3D mang tính nghệ thuật cao (đã đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ), đánh dấu những bước tiến mới cho nghệ thuật tranh thêu Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho những người thợ thêu.
“Giờ đây, tranh thêu có thể mua ở rất nhiều nơi, không chỉ trong các phòng trưng bày, mà cả những khu chợ bán hàng lưu niệm cho khách du lịch…, nhưng Hữu Hạnh muốn đưa ra thị trường những bức tranh thêu mang đậm tính nghệ thuật, mỗi đường nét được thêu bởi đường kim, mũi chỉ công phu của người thợ, với các loại chỉ được lựa chọn kĩ càng, màu sắc bền mãi cùng thời gian” – vừa giới thiệu cho chúng tôi bức tranh thêu cành đào cổ thụ đang bừng trong nắng xuân, chị Hạnh vừa chia sẻ.
Có phòng trưng bày tranh ở khá nhiều tỉnh, như: Đà Lạt, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vũng Tàu, Nha Trang…, nhưng chị Hạnh thừa nhận, để cho các phòng tranh này có thể phát triển tốt, là cả sự cố gắng lớn của chị và các anh chị em trong HTX. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho việc thành lập công ty, để có những bước đi thích hợp hơn. Công ty có thể sẽ do con, em chúng tôi phụ trách, tôi sẽ rút về làm vai trò trợ lý mẫu mã, kĩ thuật...” - chị Hạnh bộc bạch.
Thay đổi mô hình là một sự tất yếu, nhưng điều khiến chị Hạnh trăn trở là mô hình mới liệu có còn chỗ để cho một người “khùng” như chị được sống hết mình. Và chị nhắc đến những người thợ thêu đặc biệt của chị! Đó là những đứa trẻ khiếm thính, liệt chân, trẻ nhiễm chất độc màu da cam ở Lâm Đồng, Vinh, Quảng Trị, Tây Ninh, Tuy Hòa…, rất nhiều, rất nhiều em đã được chị cưu mang để trở thành thợ thêu. Có em sống được bằng nghề, có em đã đi làm nghề khác, nhưng những ngày đầu được chị cho ăn, cho ở, truyền nghề và trả những đồng lương đầu tiên… hẳn không đứa trẻ nào quên được. Chị đã giúp cho chúng tin rằng, chúng hoàn toàn có thể trưởng thành bằng chính sức lao động của mình.
Tìm tài liệu tự học để có thể giao tiếp với người khiếm thính, lo cho các em từng bữa ăn giấc ngủ, rớt nước mắt khi biết những đứa trẻ giữa mùa hè mặc 2 bộ quần áo bởi “bộ nào cũng rách hết trơn”; không nhận tiền cứu trợ và thẳng thắn tuyên bố “nếu muốn giúp các em, hãy mua tranh…”, tư vấn dạy nghề cho phụ nữ nhiễm HIV…, chị Hạnh đã có lúc bị xem như “người khùng”. Nhưng chị không nản, bởi chị còn có chồng, có 2 cô con gái và những tấm lòng hiểu chị. Hai cô con gái chị Hạnh có thể giao tiếp tốt với người khiếm thính cũng bởi gần gũi những người thợ thêu khiếm thính từ khi còn nhỏ.
Tính đến nay, chị Hạnh và những trợ lý của mình đã truyền nghề miễn phí cho hơn 1.000 học viên, trong đó hơn 30% là người khuyết tật. “Nghề thêu với mức lương thấp không giữ chân được nhiều em trụ lại với nghề, nhưng chúng vẫn nhớ đến tôi, nhiều đứa xem tôi như 1 người mẹ để chia sẻ, để đứng ra dựng vợ, gả chồng cho chúng… Đó là hạnh phúc không thể đong đếm, nó khiến cuộc sống của tôi giàu có hơn. Tôi mong sao, tới đây HTX Mỹ nghệ Hữu Hạnh với mô hình hoạt động mới cũng sẽ có điều kiện để tôi có thể giúp những đứa trẻ thiệt thòi” - chị Hạnh tâm sự.
Nhìn chị Hạnh ríu rít với các cô thợ thêu, ân cần chỉ dẫn các em, hình dung buổi sáng sớm chị một mình chạy xe ra ngoại thành chỉ vì có cô bé thợ thêu người dân tộc bị ốm…, mới thấy hạnh phúc đối với người phụ nữ đẹp ấy – giản dị và ý nghĩa biết bao.