Hành trình công nghiệp xanh: Nỗ lực từ những bước đầu tiên
- Ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam?
Những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam (VN) phát triển tốt. Tuy nhiên, giống như mọi ngành khác, tăng trưởng nhanh sẽ dẫn đến những vấn đề về môi trường, sử dụng các nguồn lực... Hai năm sau Cam kết Manila về công nghiệp xanh, theo đánh giá sơ bộ của Unido, VN đã có nhiều tiến bộ trong quản lý chất thải hữu cơ khó phân hủy, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn... Đây là cơ sở tốt cho bước tiếp song vẫn còn nhiều hạn chế cần giải quyết.
Hiện, Unido đang tiến hành đánh giá lại việc thực hiện cam kết của tất cả các nước. Kết quả cụ thể sẽ được công bố và thảo luận tại Hội thảo về CNX tại Tokyo Nhật Bản vào tháng 11 tới.
Unido đang trợ giúp Bộ Công Thương xây dựng Chính sách và Chiến lược công nghiệp xanh, nhằm làm xanh hóa nền công nghiệp cũng như xây dựng các ngành công nghiệp môi trường. Unido cũng phối hợp với một số tổ chức khác của Liên Hợp Quốc tham gia Chương trình “Sản xuất và Thương mại Xanh” nhằm hỗ trợ chuỗi sản xuất đối với 5 nhóm hàng: tơ lụa, chiếu cói, mây tre đan, sơn mài, giấy thủ công tại 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ.
Theo kinh nghiệm thế giới, cách tiếp cận qua phương pháp đối chuẩn (giữa các nhà máy với nhau, giữa các nhà máy VN và các nhà máy đạt chuẩn quốc tế) tương đối hiệu quả. Vì vậy, tại VN, Unido chọn thử nghiệm áp dụng phương pháp này với ngành thép, nếu thành công, sẽ áp dụng rộng rãi cho các ngành xi măng, hóa chất, bột giấy... Ngoài ra, Unido đang kiến nghị với Chính phủ VN chú ý đến phát triển công nghiệp xanh, giúp sản xuất trong nước phát triển theo hướng bền vững.
Ông nói, Unido đang hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Chính sách và Chiến lược công nghiệp xanh ?
Chiến lược công nghiệp xanh được tiến hành thí điểm tại 3 nhóm. Thứ nhất, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Unido nghiên cứu hướng tới kế hoạch sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững trong ngành thép. Thứ hai, hỗ trợ Hội An trở thành thành phố sinh thái, thông qua các tư vấn chính sách về quản lý môi trường, năng lượng, xanh hóa các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Thứ ba, hỗ trợ các làng nghề VN. Tại đây, Unido hỗ trợ kỹ thuật, các phương pháp sản xuất mới không chất thải, nhằm tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào và giảm thiểu hóa chất thải ra môi trường.
Gần đây, với sự hỗ trợ của EU, Unido đã xây dựng dự án hỗ trợ ngành dệt may, da giày, điện tử của VN. DN tự lập ra các mục tiêu cho mình về môi trường, xã hội và lao động. Nhờ vậy, DN sẽ đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường quốc tế.
Hiện nay, Unido đang so sánh chính sách của VN với những chính sách tốt trên thế giới, để tìm ra khoảng cách. Dựa vào đó, Unido sẽ đề xuất với Bộ Công Thương đưa ra các quyết định phù hợp cho phát triển CNX.
Công nghiệp xanh có thể áp dụng với tất cả các quy mô và ngành nghề. Theo ông, doanh nghiệp được hưởng lợi gì khi triển khai?
Phương pháp tiếp cận công nghiệp xanh của Unido trước hết xuất phát từ lợi ích của DN, đó là mục tiêu lớn nhất và trước tiên. Tại các thị trường lớn và phát triển, người tiêu dùng đặt ra nhiều tiêu chuẩn rất cao đối với nhà cung cấp. Nhà sản xuất phải đạt tiêu chuẩn không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường, lao động. Tuy nhiên, không phải DN nào của VN cũng có thể đáp ứng những tiêu chuẩn đó.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Phượng Thực hiện