Đưa nông sản Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử Xúc tiến thương mại: “Chìa khóa” để nông sản Bắc Kạn vươn xa |
Quyết tâm lớn của địa phương
Từ lâu, Bắc Kạn vẫn nổi tiếng với nghề trồng, chế biến miến dong, nhất là tại xã Côn Minh, huyện Na Rì với hơn 20 cơ sở chế biến. Tuy nhiên, thời điểm từ năm trước đây, người dân trồng, chế biến miến dong theo tính tự phát, thủ công. Vì vậy, củ dong và miến dong luôn rơi vào tình trạng bấp bênh về giá cả.
Miến dong Bắc Kạn được người tiêu dùng ưa chuộng |
Để khắc phục tình trạng đó, đồng thời xác định phải đưa nông sản trở thành thế mạnh, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường liên kết, nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân; tập trung phát triển các loại nông sản đặc hữu, có thế mạnh cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu sản phẩm.
Do đó, ngày 22/4/2021, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XII) về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết phấn đấu phát triển sản phẩm ngành hàng trục sản phẩm quốc gia tập trung vào 2 nhóm sản phẩm là gỗ, chế biến gỗ và vùng nguyên liệu dược liệu. Trục sản phẩm địa phương tập trung phát triển 4 nhóm sản phẩm (miến dong; quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam quýt, hồng, mơ và chuối; chè; chăn nuôi đại gia súc và lợn). Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu tập trung các nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị cao như: Rau củ quả, nấm, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo...
Từ Nghị quyết đó, giai đoạn 2015-2020, Bắc Kạn đã xây dựng được vùng nguyên liệu dong củ ổn định với mục tiêu khép kín chuỗi giá trị đến sản phẩm cuối cùng là miến dong, không trồng dong với mục đích bán củ dong và tinh bột ra ngoài tỉnh.
Đồng thời, sử dụng nguồn lực từ các chương trình khác nhau để đầu tư hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ hơn 1.000 tấn miến, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, cải thiện bao bì, mẫu mã và xúc tiến thương mại để sản phẩm miến dong Bắc Kạn ngày càng được khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đến đầu năm 2022, Bắc Kạn đã có hơn 50 cơ sở chế biến miến dong, trong đó, có những cơ sở có quy mô nhà máy khép kín. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý, công nhận sản phẩm OCOP và có mặt trên thị trường cả nước thông qua nhiều hệ thống trung tâm thương mại lớn, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng và chế biến.
Cơ hội xuất khẩu miến dong đến với Bắc Kạn sau chuyến đi khảo sát, học tập mô hình trồng rừng theo công nghệ châu Âu đồng thời tìm hiểu thị trường cho các sản phẩm nông sản tại Cộng hòa Séc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa làm trưởng đoàn. Thông qua trao đổi, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đoàn đã nắm bắt được nhu cầu, khả năng đáp ứng thị trường châu Âu. UBND tỉnh Bắc Kạn đã thống nhất lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì làm đối tác xuất khẩu miến sang châu Âu. Tỉnh Bắc Kạn đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ Hợp tác xã Tài Hoan hoàn thiện nhà máy chế biến. Tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng để Hợp tác xã mua sắm máy móc, trang thiết bị, nhà phơi miến... Công suất chế biến của nhà máy từ chỗ chỉ khoảng 10 tấn miến/năm đã nâng lên tới hơn 300 tấn/năm.
Đặc biệt, để định vị thương hiệu cho sản phẩm, miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đã được chứng nhận là sản phẩm duy nhất của Bắc Kạn đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Đến nay, sau nhiều nỗ lực, sản phẩm miến của Hợp tác xã Tài Hoan đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất, được phía bạn công nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Hiện tại, công suất chế biến của Hợp tác xã Tài Hoan đạt từ 1-2 tấn miến/ngày.
Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan Nguyễn Thị Hoan cho biết, từ khi bắt tay vào thực hiện cho tới khi đáp ứng đủ các thủ tục, điều kiện để xuất khẩu sản phẩm miến dong sang thị trường châu Âu mất hơn ba tháng và phải vượt qua được các vòng kiểm định chất lượng khắt khe. Ðến tháng 8/2020, Hợp tác xã đã xuất khẩu đợt một 5,3 tấn miến dong sang Cộng hòa Séc với tổng giá trị đơn hàng gần 15.000 USD. Tháng 5/2021, đơn vị tiếp tục xuất khẩu thêm 10,5 tấn miến dong sang thị trường Cộng hòa Séc với tổng giá trị đơn hàng hơn 29.000 USD. Trong quý II/2022, Hợp tác xã Tài Hoan xuất khẩu thêm gần 10 tấn miến dong nữa sang châu Âu.
Kỳ vọng rượu men lá
Sau miến dong, sản phẩm rượu men lá là sản phẩm tiếp theo được cấp phép xuất khẩu sang EU. Theo đó, cuối tháng 10, Hợp tác xã Thanh Tâm, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn đã tiến hành xuất khẩu lô sản phẩm rượu đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.
Bằng Phúc với độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, khí hậu mát lành, nước lạnh ngọt từ lâu đã nổi danh ở Bắc Kạn với nghề nấu rượu. Tại đây, nghề nấu rượu được phổ biến tại 9/9 thôn theo phương pháp truyền thống. Sản lượng rượu sản xuất đạt gần 210.000 lít/tháng tương đương hơn 6.000 lít/ngày, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh. Doanh thu từ hoạt động nấu rượu và chăn nuôi lợn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây ước đạt hơn 65 tỷ đồng/năm.
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, Hợp tác xã Thanh Tâm với 24 thành viên, liên kết sản xuất với 11 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi tháng, đơn vị sản xuất, bán ra thị trường 10.000 lít rượu men lá. Các thành viên của Hợp tác xã đã mạnh dạn chủ động tìm kiếm đối tác và đã đưa được sản phẩm sang thị trường khắt khe Nhật Bản.
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ chỉ đạo huyện Chợ Đồn và ngành chức năng hỗ trợ xã Bằng Phúc xây dựng làng nghề truyền thống nấu rượu gắn với du lịch và định hướng xuất khẩu. Đây sẽ là hướng đi bài bản để nâng tầm sản xuất một sản phẩm OCOP đặc sản của Chợ Đồn nói riêng và Bắc Kạn nói chung.