“Hạt vàng Bưu điện” trao hàng chục tấn gạo đến người dân khó khăn tại Tiền Giang
Trong ngày đầu triển khai, Bưu điện tỉnh phối hợp cùng Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trao tặng gần 3 tấn gạo tại 3 điểm phát gạo trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Theo kế hoạch trong 10 ngày tiếp theo, đơn vị sẽ cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Tiền Giang triển khai phát 47 tấn gạo còn lại tại tất cả các huyện, thị xã của tỉnh.
Bà Nguyễn Diễm Trân Châu - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Tiền Giang - cho biết: Bưu điện tỉnh đã lựa chọn những loại gạo ngon và đóng thành từng túi 3kg để thuận tiện cho việc phát tặng đến từng người dân. Toàn bộ các công tác phòng chống dịch được tuyệt đối thực hiện nghiêm, ngoài ra đơn vị còn tổ chức phát phiếu, phân luồng người nhận để đảm bảo giãn cách và an toàn chống dịch.
Với người già neo đơn, người khuyết tật không thể đến nhận gạo tại các điểm hoặc tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa hoàn toàn, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với tổ dân phố, chính quyền địa phương để phát tận nhà cho người dân hoặc thông qua tổ dân phố để đảm bảo tất cả các trường hợp khó khăn không bị thiếu gạo dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
“Tuy số lượng gạo phát cho mỗi người không nhiều nhưng chúng tôi hy vọng với số gạo đó, bà con có thể vơi bớt phần nào khó khăn để vượt qua đợt dịch lần này. Đây cũng là những tình cảm, sự chia sẻ chân thành nhất của người bưu điện, luôn đồng hành cùng với người dân vượt lên những thách thức của dịch Covid-19.”, bà Châu chia sẻ thêm.
Ngay từ khi Tiền Giang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bưu điện tỉnh đã khẩn trương triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá ngay tại các bưu cục, cung cấp nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho người dân như gạo, nước mắm, rau xanh, trứng, thịt,… góp phần duy trì đảm bảo ổn định nguồn cung ứng hàng hóa tại địa phương. Toàn tỉnh Tiền Giang có 131 điểm bán hàng thiết yếu và bình ổn giá do Bưu điện thiết lập, cung cấp hơn 250 tấn hàng hóa đến người dân qua 3 hình thức chính là mua hàng trực tiếp, đặt hàng qua số điện thoại của bưu cục và đặt hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Anh Nguyễn Xuân Phúc- Bí thư Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang - cho rằng việc triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá hay “Hạt vàng Bưu điện” là những hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ người dân, đặc biệt với đối tượng người nghèo, người yếu thế. Đây cũng là sự đồng hành, chia sẻ giàu ý nghĩa nhân văn của doanh nghiệp với các cơ quan chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương trong việc đảm bảo công tác an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.
Bưu điện tỉnh Tiền Giang hiện cũng đang đẩy mạnh việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân tại địa phương theo hướng ưu tiên các loại nông sản đang vào vụ thu hoạch. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch đưa các sản phẩm, nông sản địa phương lên sàn Postmart.vn nhằm tạo kênh tiêu thụ hiệu quả và bền vững cho các hộ sản xuất nông nghiệp tại đây. Hàng chục sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh đã được đưa lên sàn Postmart.vn.
Điểm bán hàng thiết yếu |
Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh cũng đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh kênh phân phối hàng nông sản tươi, sạch, đạt chuẩn an toàn HACCP đang vào vụ thu hoạch song bị chậm đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như thanh long, nhãn, khóm, chanh, sầu riêng,…
Trước mắt, để hỗ trợ tiêu thụ kịp thời các mặt hàng trái cây với thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn ngày, trong điều kiện di chuyển bị hạn chế như hiện nay, Bưu điện tỉnh sẽ ưu tiên việc tiêu thụ nội tỉnh và tại các tỉnh lân cận; đồng thời điều chỉnh, đồng bộ các phương án đóng gói, bảo quản, tối ưu hóa luồng vận chuyển để đảm bảo cung cấp sản phẩm tươi ngon nhất đến tay người tiêu dùng cả nước.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động hỗ trợ mang tính chất thời điểm như chương trình “Hạt vàng Bưu điện” hay các điểm bán hàng thiết yếu, bình ổn giá cho người dân trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19, Bưu điện tỉnh Tiền Giang, cũng như Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở công thương các tỉnh, thành phố để triển khai thêm nhiều phương án chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng thời thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông trong phát triển kinh tế số thông qua hệ sinh thái và các nền tảng số của đơn vị.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).