Trong xu thế này, chúng ta càng thấy rất rõ để cạnh tranh được trước hết các doanh nghiệp Việt Nam trong năm mới phải có bước tiến mới, thắng lợi mới trong việc định vị chất lượng sản phẩm, định vị thương hiệu mới thắng được trên sân nhà.
Hàng Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã khẳng định được uy tín thương hiệu tại nhiều quốc gia, ở nhiều châu lục trên thế giới. Nên mới có chuyện vui rằng, có người mua chiếc áo sơ mi ở kinh đô thời trang Paris – Pháp với giá cả “cắt cổ”, nhưng khi về nhà biếu bố vợ giở ra lại là sản phẩm made in Vietnam. Chuyện này thực hư thế nào chưa biết, nhưng đã nói lên rằng, sản phẩm của chúng ta tốt và được người tiêu dùng ở nhiều quốc gia đón nhận- đó là điều khẳng định.
Và nhân đầu năm mới, chúng ta lại càng cần nói với nhau về lời mời “Hãy mua hàng Việt Nam!”. Một lời mời trân trọng và thực chất. Lời mời này không chỉ là lòng yêu nước mà đi theo nó là danh dự, trách nhiệm của doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt và người tiêu dùng Việt.
“Hãy mua hàng Việt Nam!” là lời kêu gọi của một người nước ngoài- chị Virginia Greasly, một tình nguyện viên người Anh- đã làm điều mà đáng ra những người Việt chúng ta phải tâm niệm và nhắc nhở nhau hàng ngày.
Tâm lý sính hàng ngoại là điều có thể hiểu được khi trước đây, chất lượng hàng hóa của chúng ta thường thua kém của thiên hạ. Thế nhưng ngày nay, khi rất nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đã không chỉ rất tốt, mà còn rất rẻ, thì sự chính đáng và tính hợp lý của việc chạy theo hàng ngoại không còn. Ngoài sức ì của thói quen và niềm tin ngây thơ vào những lời quảng cáo, việc tôn sùng hàng ngoại có thể còn do sự háo danh thúc đẩy. Tuy nhiên, cứ nghĩ mà xem, nếu Thủ tướng Hà Lan hàng ngày đạp xe đạp đi làm thì việc một quý ông người Việt chỉ chuyên xài loại thịt bò và cá hồi nhập khẩu phỏng có thể chứng minh được điều gì(?!)
“Hãy mua hàng Việt Nam!”. Với 80 triệu người tiêu dùng, chúng ta có thể làm nên sự khác biệt cho nền kinh tế nước nhà, một nền kinh tế mới bắt đầu hội nhập và đang rất cần được tiếp sức từ nguồn năng lực to lớn của tình yêu Tổ quốc. Mua hàng Việt Nam nghĩa là tiếp sức cho các doanh nghiệp của chúng ta trong những bước đi chập chững đầu tiên của cuộc chơi mới mang tên cạnh tranh toàn cầu; là góp phần giảm bớt số lượng những đồng bào ngồi vạ vật chờ việc bên hè phố; là làm vơi đi sự cơ cực của những người nông dân khi “được mùa mà không được giá”.
“Hãy mua hàng Việt Nam!”. Nếu những người nuôi cá ba sa đã từng bị đối xử bất công ở Mỹ, thì xin đừng để điều đó cũng xảy ra ở Việt Nam!
Khác với sự bảo trợ của nhà nước, sự bảo trợ của người tiêu dùng là hoàn toàn tự nguyện. Sự tự nguyện này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải phấn đấu liên tục để giữ gìn. Các doanh nghiệp sẽ lập tức bị trừng phạt khi họ lợi dụng sự ưu ái của những người tiêu dùng để làm dối, làm ẩu. Mỗi khi người tiêu dùng thay đổi sự lựa chọn, nguy cơ phá sản sẽ đe dọa bất cứ một doanh nghiệp nào. “Một lần bất tín, vạn sự bất tin”. Chi phí để giành lại lòng tin của người tiêu dùng có thể lớn đến mức không thể nào đo đếm được. Ngoài ra, để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, các doanh nghiệp trong nước cần không ngừng cạnh tranh với nhau về chất lượng, giá cả của các hàng hóa và dịch vụ. Đây cũng là cách tốt nhất để mài sắc các kỹ năng cần thiết cho quá trình hội nhập.
Xin được dùng bài viết này để nhân rộng thông điệp sẽ liên kết mọi người Việt Nam yêu nước trong thời đại mới: “Hãy mua hàng Việt Nam!”.