Hé lộ khối tài sản khổng lồ của "gia tộc" Tân Hiệp Phát
Ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh). Trước đó, ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã có các quyết định khởi tố bị can đối với các lãnh đạo Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát gồm: Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích.
Ông Trần Quí Thanh và 2 con gái Trần Uyên Phương (trái), Trần Ngọc Bích (phải) |
Ông Trần Quí Thanh là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. Năm 1994, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập với dòng sản phẩm chính là sản xuất nước giải khát có ga, nước ngọt và hương vị bia. Giai đoạn 1995 - 2009, Tân Hiệp Phát liên tục tung ra thị trường nhều loại nước giải khát. Nổi bật là những cái tên như Nước tăng lực Number 1, Trà xanh Không Độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà sữa Macchiato Không Độ, Nước tăng lực Number 1 Chanh, Dâu, nước ép trái cây Number 1 Juicie, sữa đậu nành Number 1 Soya, sữa đậu xanh Number 1 Soya, nước tinh khiết Number 1, nước uống vận động Number 1 Active, trà Ô Long Không Độ Linh Chi, Trà Bí đao collagen...
Tân Hiệp Phát là một thương hiệu nước giải khát có doanh thu cạnh tranh được với các tập đoàn nước giải khát từ nước ngoài tại Việt Nam. Theo bảng xếp hạng VNR500, doanh thu năm 2011 của Tân Hiệp Phát vào khoảng 6.000 tỷ đồng, không thua kém nhiều so với Pepsi Việt Nam.
Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát do ông Trần Quí Thanh làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật; ông Riddle David Charles (Quốc tịch Anh) làm Phó Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật; bà Trần Ngọc Bích làm Giám đốc và bà Trần Uyên Phương làm Phó Tổng Giám đốc.
Ông Thanh có vợ tên là Phạm Thị Nụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát. Gia đình ông Thanh có ba người con gồm: Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quốc Dũng.
Theo thông tin thay đổi về vốn điều lệ tính đến ngày 09/09/2022, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng với các cổ đông gồm bà Phạm Thị Nụ nắm hơn 54%, bà Trần Uyên Phương nắm hơn 29%, bà Trần Ngọc Bích nắm hơn 16%. Tuy nhiên đến ngày 22/09/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, năm 2013, Tân Hiệp Phát từng đăng ký giao dịch bảo đảm với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (nay đã sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - MSB) với tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm có số tiền gửi hơn 7,2 triệu USD.
Ngày tel:27 – 29/03/2023, bà Phạm Thị Nụ đăng ký giao dịch bảo đảm với BIDV - Chi nhánh Nam Bình Dương với loạt tài sản bảo đảm là 4 thẻ tiết kiệm tổng mệnh giá 819 tỷ đồng (lãi suất 12,5 – 13%/năm và đáo hạn vào ngày 12/04/2024) do Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) phát hành; 3 thẻ tiết kiệm tổng mệnh giá 550 tỷ đồng (lãi suất 13%/năm, kỳ hạn từ 11/11/2022 – 14/02/2024) do Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) – Phòng Giao dịch Cộng hòa phát hành; thẻ tiết kiệm 115 tỷ đồng (lãi suất 11.5%/năm, kỳ hạn từ 16/03/2023 – 16/03/2024) do một ngân hàng ở Sài Gòn phát hành; hai thẻ tiết kiệm tổng mệnh giá 215 tỷ đồng (lãi suất 11.5%/năm, kỳ hạn từ 27/03/2023 – 27/03/2024) do một ngân hàng ở Sài Gòn phát hành.
Theo Forbes vào năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau.
Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.
Theo Bloomberg, tại thời điểm đó, ông Thanh từng tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD, giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực. Theo đó, Tập đoàn này kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi (1 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD.