CôngThương - Ngài Alan Duncan, Thứ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Anh đã đến tham dự lễ khai trương hệ thống chế biến ướt cà phê. Đây là kết quả của một dự án mang tính sáng tạo cao về thương mại do Quỹ Thách thức Việt Nam đồng tài trợ. Dự án hiện do Dak Man Việt Nam thực hiện,với sự hợp tác của một xã trồng cà phê tại huyện Ea Kiệt, tỉnh Đăk Lăk.
Mặc dù Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sản lượng xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê robusta tự nhiên (với mức chế biến tối thiểu), được trồng chủ yếu bởi những nông hộ nhỏ. Do chất lượng không đồng nhất và chủ yếu là xuất khẩu thô nên cà phê Việt Nam bị xếp vào nhóm hàng giá trị thấp trên thị trường quốc tế, làm hạn chế thu nhập của những nông hộ sản xuất nhỏ.
Hệ thống chế biến ướt cà phê mới này là hệ thống đầu tiên do nông hộ sở hữu và hoạt động tại Việt Nam. Cà phê được chế biến và sau đó được chứng nhận Thương mại Công bằng. Theo ông Alan Duncan tại dự án chế biến cà phê do Bộ Phát triển Quốc tế Anh tài trợ này, những người nông dân sẽ tạo thêm giá trị cho những hạt cà phê mình trồng bằng cách phân loại, rửa ướt và sấy khô.
Dự kiến, hệ thống sẽ sản xuất được 350 tấn cà phê chế biến ướt có chứng nhận Thương mại Công bằng đến cuối năm 2011. Dự án đóng vai trò dẫn đường trong việc phát triển một phân khúc thị trường mới cho cà phê Việt Nam với giá trị gia tăng trên thị trường quốc tế, mà cả công ty và các nông dân trồng cà phê cùng được hưởng lợi. Nếu dự án thành công, sẽ được nhân rộng ở nhiều vùng trong cả nước, và có một tác động lớn lên đời sống người nghèo nông thôn.
Hiện trên 550.000 hộ gia đình có nguồn sống từ trồng cà phê. Khoảng 95% lượng cà phê sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu, đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD trong năm 2010.