Chị Nguyễn Thị Anh Đào (phải) tại lễ tốt nghiệp và ngày hội việc làm của Đại học Đông Á.
CôngThương - Từ bia Khuê Trung - thương hiệu một thời
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thị Anh Đào được nhà trường giữ lại làm giảng viên khoa Sinh tại đại học Tổng hợp Huế, 4 năm sau đó, chị trở về Đà Nẵng làm cán bộ kỹ thuật cho Nhà máy bia nước ngọt sông Hàn, rồi chuyển sang công ty Thực phẩm miền Trung làm công tác quản lý và kinh doanh.
Gần 6 năm làm việc tại đây, chị luôn tận tụy và đầy trách nhiệm, nên trong một thời gian ngắn, chị được đề bạt lên phó phòng, quyền trưởng phòng, trưởng phòng rồi phó giám đốc kinh doanh.
Cũng trong giai đoạn này, cơ chế chính sách của nhà nước đã bắt đầu đổi mới, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời. Chị Đào quyết định đứng ra thành lập Công ty Minh Anh. Từ chỗ vay mượn tiền của bạn bè để làm vốn đầu tư, gây dựng cơ ngơi ban đầu, không lâu sau đó tên tuổi của Công ty Minh Anh đã gắn liền với những thành tựu chung trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP. Đà Nẵng. Thương hiệu Minh Anh trở nên quen thuộc với người tiêu dùng với sản phẩm bia Khuê Trung và rượu Hồng Đào.
Anh Đỗ Thế, phó giám đốc Công ty Minh Anh, hiện là hiệu phó Đại học Đông Á - một cộng sự đắc lực của chị Đào, kể lại: Chị Anh Đào là người say mê công việc, nhận diện ra cơ hội rất nhanh và một khi đã quyết tâm, chị sẵn sàng vận dụng và dốc hết tâm lực để thực hiện cho bằng được cơ hội ấy.
Đến Đại học Đông Á ở miền Trung
Trong lúc Công ty Minh Anh đang làm ăn ổn định, chị Đào lại mở hướng đầu tư cho giáo dục. Chị thế chấp toàn bộ gia sản của mình mua một cơ sở cũ của quân đội để đầu tư xây dựng trường, thỏa mãn ước mơ có được một môi trường giáo dục tiên tiến. Ngay khi Đông Á còn là trường trung cấp, chị đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu Đại học Đông Á...
Ước mong của chị đó là xây dựng Đại học Đông Á theo chất lượng quốc tế và học phí quốc gia. Dẫu xác định đây là điều hết sức khó khăn nhưng chị Đào cho rằng, có làm được như thế, sinh viên Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng mới theo học được…
Chị Đào tâm sự, làm sao giáo dục được cho sinh viên "lòng trách nhiệm", nếu có lòng trách nhiệm, sinh viên sẽ chăm lo đến cộng đồng, đến gia đình và người thân, rộng hơn là quê hương đất nước. Đó chính là lý do để nhiều năm nay, hình ảnh sinh viên Đại học Đông Á dọn dẹp đường phố, giúp dân xây lại nhà sau bão; nhà trường cấp học bổng toàn phần trong suốt 4 năm cho tất cả các sinh viên là con em gia đình nạn nhân bão ChanChu, quyên góp áo ấm cho đồng bào nghèo mùa rét… trở thành những việc làm thường xuyên của Đại học Đông Á. Và, mới đây, chị Đào đã đóng góp và kêu gọi sinh viên cùng hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, vận động được trên 350 triệu đồng để giúp đồng bào Nghệ An - Hà Tĩnh trong hai cơn lũ lịch sử năm 2010…
Không chỉ trong công việc kinh doanh, cả việc gia đình chị Đào cũng luôn là người phụ nữ mẫu mực, dù bận rộn, lo toan tạo nền nếp cho các con học hành. Chị đã đỗ thủ khoa khóa học thạc sĩ, được hội đồng bảo vệ đánh giá cao và đặc cách chuyển tiếp lên nghiên cứu sinh mà không phải qua thi cử. Hiện, chị sắp bảo vệ luận án tiến sĩ ngành khoa học giáo dục. Một cô con gái chị cũng đang làm luận văn thạc sĩ ngành kiểm định chất lượng giáo dục ở Mỹ, người con thứ hai đang theo học đại học ngành quản trị nguồn nhân lực ở Úc. Không dừng lại ở công việc của trường, của người phụ nữ trong gia đình, chị Nguyễn Thị Anh Đào còn được xã hội tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân thành phố, đại diện cho bà con, cho cộng đồng doanh nghiệp, góp tiếng nói của mình trong các hoạt động kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng.