CôngThương - Hiệp định này thực hiện mục tiêu hội nhập 12 thị trường nhỏ thành một thị trường lớn với khoảng 620 triệu dân và tổng GDP lên tới 2,75 nghìn tỷ đô la. Năm 2009, tổng giá trị thương mại giữa 10 nước ASEAN và Úc, Niu-di- lân 49,2 tỷ đô la Mỹ, đưa Úc trở thành đối tác lớn thứ 7 và Niu-di-lân trở thành đối tác của lớn thứ 11 của ASEAN xét về quan hệ thương mại. Bất chấp khủng hoảng tài chính và việc sụt giảm các dòng đầu tư nước ngoài trên toàn cầu, tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Ôx-trây-li-a và Niu Di lân vào ASEAN vẫn tăng từ 10 tỷ đô la Mỹ năm 2008 lên 14,9 tỷ đô la Mỹ năm 2009. Hiện nay, Úc là nhà đầu tư lớn thứ 6 còn Niu-di-lân là nhà đầu tư lớn thứ 10 vào ASEAN.
Hiệp định AANZFTA: Những “nội dung đầu tiên”
Hiệp định AANZFTA có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Úc, Niu-di lân vì đây là Hiệp định đa phương đầu tiên giữa ASEAN với Úc (Niu-di-lân đã có hiệp định đa phương với Bru-nây, Xinh-ga-po và Chi Lê trong khuôn khổ Hiệp định P4 trước đây và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương đang đàm phán hiện nay). Đây là Hiệp định khu vực-khu vực đầu tiên của ASEAN và là Hiệp định thương mại đầu tiên có Úc và Niu-di-lân cùng tham gia đàm phán. AANZFTA cũng là Hiệp định đầu tiên có mức độ cam kết toàn diện mà ASEAN đàm phán và ký kết với một Đối tác ngoài khối. Hiệp định bao gồm các cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, đầu tư, hợp tác kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp và các điều khoản cụ thể về thủ tục hải quan, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, tiêu chuẩn kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh.
Theo Hiệp định AANZFTA, ASEAN, Úc và Niu-di-lân cam kết từng bước tự do hóa thuế quan kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ ít nhất 90% thuế suất của tất cả các dòng thuế trong khung thời gian cụ thể. Đối với thương mại dịch vụ, các bên thống nhất sẽ từng bước tự do hóa các rào cản thương mại dịch vụ và cho phép nhà cung cấp dịch vụ tiếp cận thị trường thuận lợi hơn. Đặc biệt, đây là Hiệp định đầu tiên ASEAN cam kết tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các thể nhân tham gia các hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực. Hiệp định này cũng đưa ra các quy định tiến bộ như như đối xử trong đầu tư, đền bù cho người thiệt hại, chuyển giao lợi nhuận và vốn, và chuyển giao quyền hoặc yêu cầu đầu tư. Một nội dung quan trọng mà ASEAN thống nhất được với Úc và Niu-di-lân là tạo thuận lợi cho dòng luân chuyển hàng hóa thông qua việc áp dụng các điều khoản cụ thể về quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp SPS, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá hợp chuẩn. Đây là cam kết rất có ý nghĩa vì Úc và Niu-di-lân nằm trong số các quốc gia có yêu cầu về SPS và tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ nhất trên thế giới.
Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định AANZFTA là cam kết cắt giảm thuế quan. Cụ thể, các nước tham gia cam kết theo bốn nhóm bao gồm: (i) Úc, Niu-di-lân; (ii) ASEAN 6; (iii) Việt Nam và (iv) CLM. Từng nước ASEAN và Úc, Niu-di-lân đều đưa ra Biểu cam kết của mình, gồm hai danh mục là danh mục cắt giảm thuế quan và danh mục nhạy cảm.Về phạm vi, tỉ lệ danh mục cắt giảm thuế quan và danh mục nhạy cảm (NT/ST) là 90/10, trong 10% số dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm thì 6% thuộc Lộ trình nhạy cảm (ST1) và 4% thuộc Lộ trình nhạy cảm cao (ST2). Trong số 4% số dòng thuế thuộc ST2 có 1% được loại trừ khỏi nghĩa vụ cắt giảm/xoá bỏ thuế quan. Trên thực tế, các nước Úc, Niudilân và ASEAN 6 đã cam kết số dòng thuế thuộc danh mục NT lớn hơn mức 90% (96-98%).
Đối với Việt Nam, danh mục NT chiếm 90% số dòng thuế, trong đó 85% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế quan vào năm 2018 và 5% số dòng thuế còn lại sẽ xóa bỏ thuế quan vào năm 2020. Các mặt hàng thuộc Lộ trình nhạy cảm thường (ST1) của Việt Nam sẽ được giảm thuế dần dần xuống mức thuế suất cuối cùng 5% vào năm 2022, bao gồm hải sản, thịt cá đóng hộp, một số loại dược phẩm, khí dầu mỏ, nhựa nguyên liệu, săm lốp, giấy, một số loại sắt thép, sản phẩm sắt thép, phụ tùng, động cơ ôtô, xe máy, ôtô trọng tải lớn, xe chuyên dụng, xe máy phân khối lớn.
Các mặt hàng thuộc Lộ trình nhạy cảm cao (ST2) của Việt Nam sẽ được duy trì mức thuế suất cao, bao gồm các mặt hàng là thịt gà, hoa quả (cam, quýt), rượu bia, thuốc lá điếu, đường, sắt thép, ôtô chở người, xe tải dưới 10 tấn, tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã cam kết xoá bỏ thuế quan vào năm 2016 cho một số sản phẩm mà Úc và Niu Di lân đặc biệt quan tâm như thịt bò, thịt cừu, sữa nguyên liệu, sản phẩm sữa, gỗ ván dăm.
Cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam
Đối với Việt Nam, Úc và Niu-di-lân là hai đối tác quan trọng, hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước này đang phát triển tốt đẹp. Úc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Úc đạt trên 4,1 tỷ đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu của ta sang Úc đạt 2,7 tỷ đô la. Các mặt hàng xuất khẩu chính của ta sang Úc là dầu thô, thủy sản, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng v.v. Trong hoạt động đầu tư trực tiếp, Úc đứng thứ 18 trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về hợp tác phát triển, Việt Nam là nước thứ 5 trong số các nước tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc. Với Niu-di-lân, quan hệ song phương cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, trong những năm gần đây, thương mại hai chiều đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng gần 30%/năm. Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Niu-di-lân đạt 475 triệu, tăng 48,6% so với năm 2009, trong đó kim ngạch xuất khẩu của ta sang Niu-di-lân đạt gần 123 triệu đô la. Trong lĩnh vực đầu tư, Niu-di-lân đứng thứ 42 trong số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về viện trợ phát triển (ODA) Niu-di-lân không phải là nước có nguồn ODA lớn, song nguồn ODA cho Việt Nam lại liên tục được tăng trong thời gian qua.
Theo đánh giá chung, Hiệp định AANZFTA sẽ đem lại các lợi ích chính cho ASEAN và Úc, Niu-di-lân như mở cửa thị trường sâu rộng hơn cho các nhà xuất khẩu/ sản xuất trong khu vực, thúc đẩy cắt giảm chi phí sản xuất, tạo cơ hội mở rộng mạng lưới công việc và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Hiệp định sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh vững chắc, minh bạch và có thể dự đoán được, thông qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế của các bên, các doanh nghiệp. Với thực trạng quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Úc cũng nhưng Việt Nam-Niu-di-lân, Hiệp định AANZFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Theo tính toán, đối với Úc, các doanh nghiệp của ta sẽ thu được nhiều lợi ích nhất trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may, bột giấy, nông sản. Đối với Niu-di-lân, lợi ích xuất khẩu chính của ta sẽ là hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được tiếp cận máy móc, nguyên vật liệu và hàng hóa chất lượng cao, công nghệ tiên tiến với giá cả hợp lý hơn.