Hiệp định TPP với Việt Nam: Từ phê chuẩn tới thực hiện
Tin hoạt động 05/03/2016 12:00
Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam – Từ phê chuẩn tới thực hiện” |
Hội nghị nhằm cung cấp cho các Đại biểu Quốc hội và các cán bộ của các Bộ, ngành Việt Nam thông tin cập nhật, toàn diện về nội dung cơ bản của Hiệp định TPP, cam kết của Việt Nam trong TPP và thảo luận về cơ hội, thách thức đối với Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP; việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP và những vấn đề đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế năng lực thực thi pháp luật để thực hiện các cam kết trong TPP. Với chức năng và vai trò quan trọng, các Đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành trao đổi cùng các chuyên gia Việt Nam trực tiếp tham gia đoàn đàm phán và chuyên gia của Hoa Kỳ về các khía cạnh cụ thể của Hiệp định TPP.
Bà Tòng Thị phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Với việc chuẩn bị phê chuẩn các Điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp định TPP, Quốc hội Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia TPP; đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực công tác giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, việc nâng cao nhận thức của đại biểu Quốc hội, nhận rõ thuận lợi, thách thức khi tham gia TPP là một sự chuẩn bị cần thiết, đồng thời cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các nước để bảo đảm triển khai thực hiện Hiệp định TPP có hiệu quả. Những khuyến nghị chính sách của Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng với Quốc hội Việt Nam trong khi chuẩn bị phê chuẩn TPP trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại hội nghị |
Cũng trong phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đây là một Hiệp định với tiêu chuẩn cao, đề cập không chỉ các lĩnh vực hợp tác thương mại và đầu tư truyền thống mà còn xử lý những vấn đề tuy ở nhiều nơi đã được coi là một phần không thể tách rời trong thương mại quốc tế nhưng vẫn còn mới như: lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việc tham gia Hiệp định TPP là hoàn toàn phù hợp và được coi là một trong những công cụ để thực hiện định hướng trên. Cũng như tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới trước đây, tham gia TPP sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của ta, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài
Để phục vụ thông tin đến Quốc hội các đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương mong muốn được giải trình các nội dung liên quan đến Hiệp định TPP mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước quan tâm, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng Đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cũng cho biết, đến thời điểm này, mọi tài liệu liên quan đến Hiệp định đã được hoàn tất. Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đã sẵn sàng để trình Chủ tịch nước và Quốc Hội.
Trong 2 ngày tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các tác động của Hiệp định TPP đối với Việt Nam trong một số lĩnh vực cụ thể về mặt kinh tế, xã hội, lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ… Với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, các phiên thảo luận đã cung cấp cho các Đại biểu Quốc hội và các đại biểu tham dự các ý kiến và sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội, thách thức của Việt Nam. Các chuyên gia của Hoa Kỳ cũng trình bày và chia sẻ về tiến trình và triển vọng phê chuẩn Hiệp định TPP của Hoa Kỳ và một số nước thành viên.
Chia sẻ tại hội nghị, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng: Sau khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định TTP cần đào tạo và trang bị những kỹ năng mới cho lực lượng lao động để tận dụng được những cơ hội kinh tế tương lai; cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quy mô lớn hơn; hỗ trợ khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nhằm xây dựng môi trường kinh doanh và giúp các doanh nghiệp kết nối Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu. Đại sứ Ted Osius khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu và thực hiện Hiệp định TPP; đồng thời luôn là đối tác, bạn đồng hành giúp Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Vấn đề lao động và tổ chức công đoàn cũng được các đại rất quan tâm. Về vấn đề này, các đại biểu đã được chia sẻ và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ông Phạm Minh Huân và ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng nhóm đàm phán của Việt Nam về Lao động trong TPP.
Cũng tại hội nghị, những vấn đề về vai trò tham vấn doanh nghiệp trong đàm phán, các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng được Thứ trưởng, Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và các đại biểu trao đổi sôi nổi. Tại đây, các ông Lê Tiến Trường Tổng giám đốc Vinatex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, ông Vũ Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ và giải đáp những băn khoăn của các đại biều về thuận lợi, thách thức và sự chuẩn bị của các ngành nông nghiệp, thủy sản và dệt may để thực thi hiệp định.
Các yêu cầu và giải pháp về mặt thể chế, pháp luật khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP; Tiến trình và triển vọng phê chuẩn Hiệp định TPP của Hoa Kỳ và một số nước thành viên; Quy trình Phê chuẩn Hiệp định TPP của Việt Nam cũng được các đại diện Bộ Tư pháp, Amcham (TP.Hồ Chí Minh) và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi làm rõ.