Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ trong TKV
Hai tổ hợp CGH hạng nhẹ được áp dụng thử nghiệm tại khu lò chợ VM-L(7)-1 mức -250/-100 vỉa 7 khu Vũ Môn thuộc Công ty Than Mông Dương và khu lò chợ I-11-5 mức -320/-295 vỉa 11 khu Khe Chàm I thuộc Công ty Than Hạ Long từ năm 2020. Theo báo cáo của Viện Khoa học công nghiệp mỏ, 2 giàn chống của tổ hợp CGH hạng nhẹ có ưu thế về trọng lượng và kích thước nhỏ, cho phép vận chuyển qua các đường lò có diện tích sử dụng nhỏ nhất đến 8,5m2. Nhờ đó, công tác vận chuyển, lắp đặt thuận lợi hơn, tại Than Hạ Long chỉ mất 18 ngày và 25 ngày đối với tổ hợp ở than Mông Dương. Bằng 2/3 thời gian vận chuyển, lắp đặt các tổ hợp GGH trung bình và nặng, đã áp dụng tại các mỏ thuộc Tập đoàn TKV. Tỷ lệ thu hồi than nóc tại lò chợ CGH Mông Dương đến 80%.
Năng suất lao động tăng 1,5-2 lần so với công nghệ cũ, sản lượng gần đạt công suất thiết kế và hiệu quả kinh tế mang lại, cho thấy áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ công suất 300.000 tấn/năm là rất phù hợp với điều kiện địa chất của TKV, mở ra triển vọng nhân rộng áp dụng các mỏ thuộc TKV.
Triển khai công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ vào thực tế sản xuất tại Công ty Than Hạ Long |
Còn đối với việc áp dụng sơ đồ công nghệ đào lò mẫu, trong quá trình triển khai, thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn TKV, các đơn vị thành viên đã thực hiện an toàn, không xảy ra tai nạn lao động, các dây chuyền CGH đào lò mẫu và bán CGH đào lò mẫu đều có giá thành thấp hơn công nghệ thủ công trong cùng điều kiện, nguyên nhân chủ yếu là do áp dụng CGH đã tăng được năng suất lao động, giảm vật tư, từ đó giảm được chi phí tiền lương, bảo hiểm, nguyên vật liệu và chi phí khác liên quan. Công nghệ đã đạt một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt, công suất và năng suất lao động tương đối cao, dần đạt thiết kế.
Theo ông Vũ Mạnh Cường - Trưởng ban KCM, Tập đoàn TKV: Đối với CGH hạng nhẹ thì cái kết cấu của thiết bị giàn chống cũng như máy khấu đã được cải thiện đáng kể so với CGH đã ứng dụng trước đó và tính phù hợp với vỉa dốc đến các điều kiện phay phá, rút ngắn rất nhiều thời gian xử lý.
Trong thời gian theo dõi, máy khấu làm việc ổn định, không xảy ra sự cố hỏng hóc nào, hiệu quả phá vỡ gương than tốt trong điều kiện than có độ cứng f = 1÷ 3, đá kẹp phân lớp mỏng. Máy khấu tại Mông Dương đã cho thấy khả năng làm việc tốt khi góc dốc lò chợ trên 30º. Bên cạnh đó, máng cào có khả năng uốn cong tốt, thích ứng cao với điều kiện nền lò chợ không bằng phẳng. Các bộ phận như cầu máng, thanh gạt, xích máng cào có độ chịu mài mòn tương đối tốt. Mặc dù thường xuyên phải vận tải đá lẫn trong than, nhưng máng cào đã hoạt động ổn định, không xảy ra sự cố hỏng hóc.
Tổng giám đốc Tập đoàn TKV - ông Đặng Thanh Hải - khẳng định: Qua triển khai công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ và thực hiện các sơ đồ công nghệ CGH đào lò mẫu, bước đầu đã cải thiện điều kiện làm việc, năng suất lao động tăng lên, sản lượng về cơ bản đạt xấp xỉ thiết kế, triển vọng lớn để áp dụng 2 nội dung này trong thời gian tới.
“Việc áp dụng công nghệ khai thác CGH đồng bộ hạng nhẹ và các sơ đồ công nghệ CGH, bán CGH đào lò mẫu là chủ trương quan trọng và cấp thiết của TKV, đặc biệt là thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động”, Tổng giám đốc Tập đoàn TKV nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Tập đoàn TKV cũng đề nghị các đơn vị cần tập trung vào các chỉ tiêu về quy mô, công suất và sản lượng cho 2 loại hình này. Tốc độ sẽ là chỉ tiêu mới trong nội dung đào lò hiện nay. Bên cạnh đó, muốn triển khai được các nội dung này thì công tác thăm dò tài nguyên, khoanh được diện cho khai thác CGH hạng nhẹ là việc làm hết sức cần thiết.
Ngoài ra, các đơn vị cần ưu tiên nguồn lực, vốn để đầu tư, phát triển, áp dụng các công nghệ thiết bị, tổ hợp cơ giới hóa đào lò phù hợp theo đề xuất. Phát triển sản xuất cơ khí để thay thế vật tư, thiết bị nhập khẩu; đồng thời phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật (trạm sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định...) nhằm duy trì ổn định các tổ hợp thiết bị cơ giới hóa được đầu tư.
Trong thời gian tới, Tập đoàn TKV sẽ tiếp tục thăm dò bổ sung các khu vực có khả năng áp dụng công nghệ CGH, tăng cường nội địa hóa thiết bị để chủ động nguồn vật tư thay thế, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cao của công nghệ CGH đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị vận chuyển và vận tải cho các lò chợ CGH, nhằm phát huy năng lực làm việc của đồng bộ thiết bị CGH, dần hoàn thiện công nghệ làm cơ sở cho việc phát triển áp dụng công nghệ trong các mỏ hầm lò thuộc TKV.