Vườn tiêu góp phần tạo đột phá cho kinh tế huyện Chư Sê |
Người hớn hở, kẻ ngậm ngùi
Chúng tôi đến Chư Sê khi những cơn mưa đầu mùa đã kịp tưới mát nhiều vườn hồ tiêu khô hạn. Nhiều chủ vườn tiêu đong đầy hi vọng với những trụ tiêu cành lá sum suê, hoa treo chi chít.…
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu cả nghìn trụ đang xanh mướt ở làng Blo, xã Ia Blang, ông Vũ Văn Dũng chia sẻ, vụ tiêu năm 2016, gia đình ông thu được 2,5 tấn tiêu hạt. Với giá bán trung bình khoảng 150.000 đồng/kg, gia đình ông cầm chắc trong tay tiền lãi vài trăm triệu đồng. “Tôi vẫn còn 1,5 tấn chưa bán. Hiện giá tiêu đã là 185.000 đồng/kg, thương lái hỏi mua nhiều, nhưng tôi đang lưỡng lự”- ông Dũng phấn khởi.
Trồng tiêu từ năm 1998, từ 100 trụ tiêu ban đầu, đến nay, gia đình ông Dũng đã có 3.000 trụ tiêu. Không chỉ xây nhà to, lo cho 2 con ra thành phố ăn học, ông Dũng còn tạo việc làm cho nhiều lao động là người đồng bào Jrai trong xã.
Giống như ông Dũng, những người trồng tiêu ở Chư Sê như ông Thăng, ông Tiến, ông Luyến, ông Hùng... năm nay cũng có thêm một vụ tiêu khá thành công. Sau khi trừ chi phí, nhiều hộ vẫn có lãi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Từ hồ tiêu, nhiều ngôi nhà khang trang đang mọc lên ở Chư Sê; các ông chủ đánh xe ôtô đi thăm vườn không còn hiếm. Chư Sê có lẽ cũng là 1 trong số ít huyện trên toàn quốc có đến 9 ngân hàng thương mại với lượng khách hàng lớn là chủ vườn tiêu.
Nếu như ông Dũng không giấu được niềm vui bởi có một vụ thu hoạch tiêu như ý, thì cách vườn tiêu của ông Dũng không xa, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy những vườn tiêu già cỗi, bệnh tật. Nguyên nhân chính do chủ vườn thiếu hiểu biết về kỹ thuật nên đã lạm dụng quá mức về phân và thuốc hóa học.Vườn tiêu vì thế mà tàn lụi chỉ sau vài năm thu hoạch.
Ứng phó với thời tiết
Những người đi đầu về trồng tiêu ở Chư Sê kể, cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, việc trồng tiêu khá dễ dàng. Khi ấy, đất đai Chư Sê màu mỡ, khí hậu ôn hòa, trồng tiêu dễ như trồng rau, cắm xuống là tiêu sống tốt, ít phải dùng các loại phân bón và hầu như chưa dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật… Chỉ sau vài vụ thu hoạch, tiêu Chư Sê đã đứng đầu về năng suất, chất lượng, cay hơn, thơm hơn hồ tiêu trồng ở nhiều vùng khác.
Vậy nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác! Cây tiêu vốn là loại cây trồng khó tính, mẫn cảm, dễ bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài. Chính vì vậy, thời tiết bất thuận cộng với người dân phát triển ồ ạt, trồng tràn lan, thiếu khoa học kỹ thuật nên dẫn đến bệnh “chết nhanh, chết chậm, tiêu điên”… ngày càng lan rộng. Chỉ từ năm 2013 - 2015, riêng ở huyện Chư Sê đã có tới vài chục nghìn trụ tiêu cho năng suất thấp, chết hoặc không cho ra trái. “Năm 2013, tôi đã phải dứt ruột chặt đi 700 trụ vì không có cách gì cứu vãn. Tiêu chết nhanh đến bàng hoàng” - ông Vũ Văn Dũng xót xa.
Năm 2013 - năm đầu tiên người trồng tiêu ở Chư Sê cảm nhận rõ thế nào là “biến đổi khí hậu gõ cửa từng nhà”. Mưa nắng không còn theo quy luật, tiêu chết không kịp xoay xở xảy ra ngay cả với những người trồng tiêu có thâm niên 10, 20 năm.
Tình trạng này đã khiến nhiều người trồng tiêu ở Chư Sê buộc phải tính tới việc đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc tiêu. Theo đó, thay vì cách tưới gí phổ biến, nhiều vườn tiêu đã sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel; sử dụng trụ sống (cây keo dậu, cây muồng đen, cây núc - nác rừng) thay cho trụ xi măng; trụ gỗ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh.. “Áp dụng công nghệ cao chi phí hết khoảng 300 triệu đồng/ha/năm đầu tiên - gấp 3 lần so với trồng như trước kia. Tuy nhiên, tiêu có thể cho thu hoạch sớm hơn 1 năm, đặc biệt việc tưới nhỏ giọt sẽ giúp các nhà vườn chủ động đối phó với khủng hoảng thiếu nước vào mùa khô” - ông Dũng phân tích.
“Đắt vẫn phải làm” là cách mà nhiều hộ trồng tiêu ở Chư Sê đang triển khai để tiếp tục theo đuổi việc trồng hồ tiêu – loại cây hàng hóa luôn giữ vị trí quán quân về giá so với các loại nông sản khác.
Cùng với nụ cười của nhiều người trồng tiêu, đã có những giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống vườn tiêu mà kết quả thu về không như mong đợi! |
Kỳ II: Nhân rộng mô hình liên kết vườn tiêu góp phần tạo đột phá cho kinh tế huyện Chư Sê