Chăm sóc theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ tạo bước tiến bền vững cho hồ tiêu Chư Sê |
Bán tiêu kiểu tự phát - lợi bất cập hại
Cây hồ tiêu Chư Sê phát triển là vậy, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi - ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê không giấu được những âu lo. Theo ông Bính, lâu nay, thu hoạch tiêu xong, bà con đều “mạnh ai nấy bán” cho thương lái mà không tập trung để bán cho những đầu mối lớn, uy tín. “Cách bán hàng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bởi chất lượng tiêu không được kiểm soát, khó thống kê sản lượng tiêu thụ. Chưa kể tới việc những người thu gom có thể trộn thêm tạp chất, trộn tiêu ướt lẫn tiêu khô để gian dối trọng lượng nhằm kiếm lời, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu hồ tiêu Chư Sê”.
Mấy năm gần đây, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã rất tích cực kết nối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu uy tín để thu mua hồ tiêu cho bà con, với giá cao hơn giá trị trường. Tuy nhiên, vì ngại đối diện với những yêu cầu chất lượng nên rất ít người trồng tiêu mặn mà với việc bán cho những địa chỉ tin cậy. “Giá bán tiêu vẫn tốt, thương lái lại săn đón đến tận nhà thu mua…, nên bà con chưa nhìn thấy thiệt thòi trong việc bán cho những đầu mối thu mua trôi nổi ” - ông Bính bức xúc.
Cũng theo ông Bính, vì giá tiêu luôn giữ ở mức cao, nên 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở Chư Sê đã phá bỏ vườn cao su, cà phê để trồng tiêu. Tiêu trồng tràn lan, thiếu đầu tư, chăm sóc… nên chất lượng nhiều vườn tiêu phát triển kém hoặc bị bệnh. Cũng vì tiêu luôn giữ ở giá cao nên nhiều hộ lạm dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học để tăng năng suất và phòng trừ bệnh cho tiêu, dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu cao… Trong khi đó, thuyết phục người nông dân trồng, chăm sóc tiêu theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn vô cùng khó. “Đa phần người nông dân vẫn tin và làm theo cách mà họ đã làm nhiều năm nay...” - ông Bính nói.
Tạo chuỗi liên kết nâng cao giá trị
Lo ngại của ông Hoàng Phước Bính cũng chính là vấn đề mà hồ tiêu Việt Nam đang vướng phải 3 năm trở lại đây, khi mà những lô hàng bị cảnh báo về chất lượng ngày một gia tăng. Mới đây, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - khuyến cáo: Số lượng tiêu bị trả về chưa nhiều, nhưng rất có thể, các đối tác đang cạnh tranh với chúng ta sẽ vin vào đó để làm giảm giá trị hồ tiêu Việt Nam nói chung…
Gần 30 năm gắn bó với cây tiêu, lăn lộn với người trồng tiêu từ lúc cây ra hoa, đến khi kết trái, ông Bính hiểu sâu sắc nỗi nhọc nhằn, cơ cực của người trồng tiêu. Và sau những lần tham gia hội thảo bàn về hồ tiêu, gặp gỡ nhiều DN xuất khẩu hồ tiêu…, ông Bính cũng hiểu rất rõ: Giá hồ tiêu rồi sẽ có thể giảm, vị trí số 1 về xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi, nếu hồ tiêu không tạo được chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị.
Từ thực tế của địa phương mình, ông Bính đề xuất: Các nhà khoa học cần sớm nghiên cứu, xem xét hoạt chất nào khi sử dụng dẫn đến tồn dư lâu dài để kiểm soát, khuyến cáo người dân, thay thế bằng loại khác an toàn hơn. Bên cạnh đó, người trồng tiêu và DN cần hợp tác để cùng liên kết sản xuất: DN lo đầu vào, đầu ra cho nông dân. Nông dân trực tiếp sản xuất dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của DN. “Với cách liên kết này, DN thu gom được hồ tiêu đạt chất lượng trực tiếp từ người dân, còn người nông dân sẽ yên tâm sản xuất hơn vì được hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư chất lượng tốt, giá bảo đảm” - ông Bính nhấn mạnh.
Không chỉ đưa ra đề xuất, trên thực tế, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm và Công ty BVTV Sài Gòn thực hiện mô hình liên kết sản xuất dưới sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các cấp. Hy vọng, với những thành công đạt được, mô hình liên kết sản xuất của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê sẽ được nhân rộng, góp phần tạo sức lan tỏa, làm nên những mùa tiêu thắng lợi trong niềm vui trọn vẹn của người trồng tiêu...
Tháng 3 và 4/2016, giá hồ tiêu chỉ khoảng 130.000 - 140.000đồng/kg, sang tháng 5, giá đã tăng lên 160.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá tiêu đang ở mức 180.000 đồng/kg. |
TIN LIÊN QUAN | |