Khơi thông chính sách cho công nghiệp hỗ trợ Nhiều ông lớn “đổ bộ”, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tiếp sức |
Năng lực sản xuất được nâng cao
Tháng 9/2020, Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh được ký kết, với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra sẽ tăng lên hàng năm, thông qua việc thực hiện chương trình tư vấn, phát triển nhà cung ứng.
Đại biểu tham dự hội nghị |
Căn cứ vào nội dung Biên bản ghi nhớ đã ký kết, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Samsung, Cục công nghiệp, Trung tâm phát triển công nghiệp IDC hàng năm tiến hành chương trình cải tiến bao gồm các hoạt động: Tiến hành lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức khởi động chương trình, tiến hành tư vấn hiện trường, tổng kết.
Báo cáo sau 4 năm triển khai cho thấy, các nội dung hỗ trợ đã mang lại kết quả tích cực, năng lực sản xuất được nâng cao rõ rệt, góp phần quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh xuất khẩu sản phẩm và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Samsung.
Tính đến cuối năm 2023, tổng số doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung là 39 doanh nghiệp trên tổng số 340 nhà cung ứng Việt Nam. Trong đó, có 5 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1; 17 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2 và 17 doanh nghiệp là nhà cung ứng dịch vụ vật tư tiêu hao.
Việc trở thành nhà cung ứng của Samsung nói riêng và các tập đoàn công nghệ lớn nói chung có ý nghĩa bước ngoặt, giúp cho doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh có cơ sở thay đổi, cải tiến năng lực sản xuất, năng suất lao động, hệ thống quản lý chất lượng để đáp ứng về mặt thời gian, sản lượng và chất lượng do Samsung đặt ra. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội tìm thêm những khách hàng lớn khác, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, các doanh nghiệp khẳng định: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp là dự án có ý nghĩa. Tham gia chương trình, doanh nghiệp được tiếp cận với phương thức tổ chức sản xuất khoa học, được trực tiếp hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại hiện trường, được đào tạo cho cán bộ chủ chốt trong nhà máy về cách thức cải tiến, nâng cao chất lượng cũng như khả năng mở rộng sản xuất, kết nối sâu hơn vào chuỗi các giá trị toàn cầu.
Đánh giá chung những kết quả đạt được của doanh nghiệp sau cải tiến, theo Sở Công Thương Bắc Ninh, chương trình đã huy động được sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Samsung và hỗ trợ của các cơ quan nhà nước với trách nhiệm cao. Sau chương trình cải tiến, năng suất lao động tại các doanh nghiệp tăng 22%, các lỗi chất lượng giảm 55,2%, tồn kho sản xuất giảm 36,4%. Qua chương trình cải tiến, Samsung cũng mở rộng khả năng có thêm nhà cung cấp tiềm năng, đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Chia sẻ niềm vui với những kết quả tích cực đã đạt được, ông Kim Tea Hoon - Phó Tổng giám đốc phụ trách trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam - nhấn mạnh: Từ thành quả hợp tác trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ưu tú của Bắc Ninh đã được nhận chứng chỉ “kinh nghiệm 50 năm sản xuất” của Samsung thông qua hoạt động tư vấn chuyên sâu và hệ thống; các chuyên gia tư vấn được bồi dưỡng, trang bị năng lực triển khai hoạt động cải tiến liên tục. Năng lực cạnh tranh này đã giúp nhiều doanh nghiệp mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nâng cao hơn nữa mức độ nhà máy thông minh
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải gửi lời cảm ơn Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam đã luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trong thời gian qua; đồng thời khẳng định, chương trình hợp tác đã, đang mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp Bắc Ninh, doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong thị trường nội địa, do đó, việc phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Công Thương, Tổ hợp Samsung Việt Nam tiếp tục quan tâm, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị thực hiện có hiệu quả nội dung đã cam kết; nghiên cứu đề xuất nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2030; quan tâm hơn nữa với “Chương trình phát triển nhà cung ứng”, nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành nhà cung ứng của Samsung.
Đối với các doanh nghiệp đã và sẽ tham gia chương trình, cần duy trì thường xuyên việc cải tiến, từng bước nâng cao mức độ nhà máy thông minh và phấn đấu trở thành nhà cung ứng của Samsung; đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm đối với những thành công đạt được đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương Bắc Ninh phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả chương trình theo kế hoạch; tham mưu, đề xuất nội dung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong những năm tiếp theo và nhân rộng mô hình này tới các ngành và lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, Samsung Việt Nam, Sở Công Thương và đại diện một số doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ tư vấn phát triển Nhà máy thông minh tại Bắc Ninh |
Về vấn đề này, đại diện Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, dù đã đạt được những kết quả tích cực song thẳng thắn nhìn nhận nền tảng của các doanh nghiệp Việt phần lớn còn yếu và thiếu với quy mô sản xuất tương đối nhỏ, một số doanh nghiệp sản xuất theo đơn hàng nhỏ lẻ, phần lớn doanh nghiệp chưa có hệ thống quản lý sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và đạt các tiêu chuẩn của Samsung.
Ngoài ra, thời gian cho chương trình tư vấn tại doanh nghiệp tương đối ngắn (khoảng 3 tháng), nên nhiều đề tài cải tiến chưa hoàn thành trong thời gian chương trình, dẫn tới nhiều nội dung chưa đạt kết quả như mong muốn; số lượng chuyên gia cải tiến không nhiều, dẫn đến việc thực hiện tư vấn liên tục tại nhiều doanh nghiệp không thực hiện được...
Trước thực trạng đó, giải pháp được Sở Công Thương Bắc Ninh đưa ra là, tiếp tục phát triển xây dựng nhà máy thông minh; định hướng xây dựng nhà máy tăng trưởng xanh, bền vững. Ngoài nội dung về năng suất, chất lượng, sản xuất, các doanh nghiệp hiện tại còn đòi hỏi về việc tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và thân thiện môi trường.
Trên thực tế, chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng khách quan và là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp lớn. Chuyển đổi xanh mang lại tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững cho cộng đồng về văn hóa, xã hội và môi trường. Doanh nghiệp xanh, nhà máy xanh sẽ là tiêu chí và lợi thế cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong tương lai gần.
Đối với chương trình phát triển nhà cung ứng, các bên cần tiếp tục phối hợp trong hoạt động xúc tiến và kết nối, nhằm phát triển mạng lưới doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng của Samsung; thường xuyên gửi danh mục các sản phẩm có nhu cầu tìm kiếm và thông tin về nhà cung ứng tiềm năng.
Năm 2024, Samsung Việt Nam tiếp tục tư vấn phát triển Nhà máy thông minh cho 5 doanh nghiệp tại Bắc Ninh và kỳ vọng có thể xây dựng nhà máy tiên tiến quản lý toàn diện quá trình sản xuất bằng phần mềm; đồng thời cam kết sẽ liên tục chuyển giao kinh nghiệm giúp doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh có năng lực cạnh tranh đạt tiêu chuẩn toàn cầu. |