Hỗ trợ khởi nghiệp từ thế mạnh của ngành giáo dục
Sau đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (đề án 844), đề án 1665 là nội dung tiếp theo được Chính phủ chỉ đạo triển khai nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì nghiên cứu, xây dựng.
Vụ phó Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên nhận định đề án 1665 gắn với thế mạnh của ngành giáo dục - đào tạo |
Tại hội thảo “Phân tích hiện trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động xã hội” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Vụ phó Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT) - Dương Văn Bá - đã trình bày hướng đi và những giải pháp cụ thể Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ thực hiện trong công tác triển khai đề án 1665. Ông cho biết, nội dung của đề án 1665 đi sâu vào phân khúc đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đó là xây dựng hệ sinh thái ở giai đoạn trước khi khởi nghiệp; hỗ trợ học sinh, sinh viên để nâng cao tinh thần khởi nghiệp, rèn giũa kỹ năng hình thành và hiện thực hóa ý tưởng trong quá trình học tập tại trường, để khi ra trường các em có thể tham gia khởi nghiệp. Đó là mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, gắn với thế mạnh của ngành giáo dục - đào tạo.
Đề án hướng tới mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sẽ có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các trường được tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.
Ông Dương Văn Bá khẳng định: “Khi xây dựng đề án 1665, Bộ GD&ĐT đã làm việc chặt chẽ với đề án 844 để đặt ra mục tiêu, nội dung không trùng lặp, phối hợp với 844, giải quyết được vấn đề. Công tác của đề án 1665 sẽ có tính chất hỗ trợ đầu vào cho đề án 844, đó là lý do giai đoạn đào tạo này được gọi là tăng tốc từ 1665 đến 844”.
Giải pháp cụ thể gắn với từng mục tiêu trọng tâm
Về công tác thông tin, truyền thông, Vụ phó Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên cho biết, nhóm công việc quan trọng nhất được đặt lên đầu tiên là thay đổi tư duy nhận thức từ lãnh đạo nhà trường cho đến sinh viên trong nhà trường về vấn đề khởi nghiệp.
Tại giai đoạn khởi động (năm 2018-2019), đề án sẽ tập trung vào các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hai Bộ cùng phối hợp để triển khai trong hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo. Nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin, tổ chức diễn đàn để sinh viên thay đổi tư duy trong việc học, tích lũy kiến thức trong nhà trường để hướng đến tương lai lập nghiệp, tự tạo ra cơ hội việc làm. Đồng thời với công tác truyền thông trong học sinh, sinh viên cần thúc đẩy đội ngũ lãnh đạo nhà trường nhận thức được việc khởi nghiệp trong trường là quan trọng đối với sự phát triển của sinh viên cũng như nhà trường, đặc biệt là tạo nên thương hiệu của trường khi sinh viên đạt được những thành tựu nhất định.
Hoạt động thông tin truyền thông trọng tâm mà Bộ GD&ĐT dự kiến là tổ chức ngày hội khởi nghiệp trong sinh viên để tạo ra một chuỗi hoạt động, bắt nguồn từ các nhà trường đến các cụm khu vực, mở ra quy mô toàn quốc. Ngày hội này khác với ngày hội khởi nghiệp của đề án 844, nhằm để sinh viên tham gia và đóng góp ý tưởng từ trong nhà trường, từ đó tìm cách hỗ trợ cho các ý tưởng có khả năng phát triển.
Thúc đẩy tư duy khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên là mục tiêu trọng tâm hàng đầu |
Về việc hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, Bộ GD&ĐT xác định công tác đào tạo ở đề án 1665 là đào tạo nền tảng, hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng ban đầu để học sinh, sinh viên có kiến thức, thông tin, kỹ năng để xây dựng ý tưởng, tham gia khởi nghiệp.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường nghiên cứu để đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo của nhà trường. Hiện nay khá nhiều trường đã đưa kiến thức khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính thức, triển khai theo các tín chỉ, học phần tùy theo điều kiện của từng trường.
Khi sinh viên đã có kiến thức, kỹ năng mức sàn ban đầu, có ý tưởng tốt mang tính chất đổi mới sáng tạo sẽ bước vào đề án 844 để đào tạo nâng cao. Đó chính là hướng đi “từ 1665 đến 844”. Trong chương trình đào tạo như vậy, ở hai phân khúc khác nhau thì nội dung chương trình, kiến thức, kỹ năng cũng khác nhau. Như vậy đầu ra 1665 sẽ là đầu vào của 844, không trùng lặp.
Về công tác tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, thống kê chưa chính thức của Bộ GD&ĐT cho thấy, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên còn rất hạn chế, trong số trên 200 trường đại học trong nước, chỉ có khoảng 15 trường đại học có hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Một số trường được đánh giá có hoạt động và hiệu quả nổi bật như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh. Đây là các cơ sở giáo dục có không gian làm việc, có trung tâm hỗ trợ sinh viên, hoạt động giúp sinh viên tiếp cận môi trường khởi nghiệp và quy mô hoạt động khá hiệu quả.
Trong thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ thúc đẩy tất cả các trường vào cuộc, tạo được môi trường hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Thứ nhất, xây dựng không gian làm việc chung, thành lập câu lạc bộ… tạo môi trường để sinh viên có thể học hỏi, sinh hoạt chung, tạo ra tinh thần và ý tưởng khởi nghiệp trong quá trình học tập. Thứ hai, đề nghị các trường đại học, cao đẳng, trung cấp bố trí không gian, cơ sở vật chất để sinh viên tham gia vào hoạt động liên quan đến ý tưởng khởi nghiệp và tiếp thu kiến thức, kỹ năng cho khởi nghiệp sau này. Thứ ba, cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang phối hợp với đề án 844 và các đơn vị liên quan để xây dựng hệ thống thông tin chung về các ý tưởng, vấn đề, kiến thức liên quan đến khởi nghiệp, thông qua việc kết nối tất cả thông tin đến cổng thông tin của Bộ GD&ĐT để học sinh, sinh viên cập nhật nhanh chóng và tham gia phát triển ý tưởng.
Với những bước đi cụ thể như vậy, các giải pháp về đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ đào tạo và tạo môi trường khởi nghiệp là 3 nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu trong quá trình thực hiện đề án 1665, tận dụng thế mạnh của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tạo điều kiện cho sinh viên có tinh thần, kiến thức, kỹ năng tốt trong quá trình học tập để khi ra trường có cơ hội việc làm tốt hơn.
Bên cạnh đó, ông Dương Văn Bá cho biết thêm: Bộ GD&ĐT sẽ tham gia cùng với các Bộ, ngành để đề xuất Chính phủ đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ việc khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nói riêng, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện cơ chế xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa.