Thời gian gần đây, Công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình liên tiếp phát hiện các trường hợp chế pháo nổ. Cụ thể, ngày 17/11, Công an xã Kim Bôi (huyện Kim Bôi) phát hiện các cháu nhỏ trong độ tuổi từ 13 -15 tuổi chế tạo, tàng trữ sử dụng pháo đều trú tại xã Kim Bôi, thu giữ gần 100 quả pháo tự chế và nhiều nguyên vật liệu có liên quan.
Công an địa phương ở Hòa Bình liên tiếp phát hiện các trường hợp chế tạo pháo nổ trái phép (Ảnh: Công an cung cấp) |
Tại cơ quan Công an, 3 thanh thiếu niên này khai nhận, sau khi tìm hiểu cách chế tạo pháo trên mạng, các em đã góp tiền đặt mua hàng online các vật dụng liên quan rồi cùng nhau chế tạo pháo để sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đến ngày 22/12, Công an xã Kim Bôi đã phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình các em nhỏ tự nguyện giao nộp gần 100 quả pháo, tương tương 7 kg pháo tự chế và các nguyên vật liệu để chế tạo pháo.
Trước đó, Công an xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) cũng kịp thời vận động 5 cháu tuổi vị thành niên giao nộp 1 quả pháo cùng nhiều dụng cụ chế tạo pháo nổ tự chế. Các thiếu niên này kể do tò mò và học được công thức chế tạo pháo trên mạng xã hội đã tìm mua lưu huỳnh, than, phốt pho về để chế tạo pháo với mục đích sử dụng trong dịp Tết.
Nguyên liệu chế tạo pháo chủ yếu được các em đặt mua trên mạng (Ảnh Công an cung cấp) |
Theo Đại uý Bùi Văn Tuyên, Trưởng Công an xã Kim Bôi cho biết, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên, học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép, Công an xã đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ.
Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ, đặc biệt dịp giáp Tết Nguyên đán.
Trưởng Công an xã Kim Bôi thông tin, nguyên nhân của những vụ việc nói trên là do sự buông lỏng quản lý của gia đình. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển, nhiều em có điều kiện truy cập vào các trang mạng dạy cách chế tạo pháo. Sau đó rủ nhau góp tiền để đặt mua phụ kiện, vật dụng rồi mang về nhà rủ nhau làm pháo.
Ngoài việc xử lý theo quy định, khi phát hiện các trường hợp là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.
Theo Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị phạt tiền 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Tùy theo hành vi phạm tội cụ thể, có thể bị xử lý về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017) hoặc về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017). |