Hoà Bình: Xuất hiện vết nứt dài 500m, di dời khẩn cấp 50 hộ dân trong đêm Hòa Bình: Những tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu Hòa Bình: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão |
Để tìm hiểu rõ hơn về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của Hòa Bình trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình.
Thưa ông, sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt?
Những năm gần đây, ngành Công Thương Hòa Bình luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã có nhiều kết quả nổi bật về hoạt động của ngành.
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Tiến Dũng (Ảnh: NH) |
Theo đó, công tác quản lý Nhà nước về công thương trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Sở Công Thương đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển như: Chương trình hành động số 18-Ctr/TU ngày 18/4/2023 của Tỉnh ủy Hòa Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 18-Ctr/TU; Kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 tỉnh Hòa Bình… Đặc biệt là phối hợp xây dựng phương án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phương án phát triển thương mại dịch vụ trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 22/12/2023.
Trong 5 năm trở lại đây, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong giai đoạn 2020 - 2024 đạt 18%. Kim ngạch xuất nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao. Thương mại nội tỉnh luôn giữ vững đà tăng trưởng ổn định.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,6 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ, đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 969,039 triệu USD, tăng 26,48% so với cùng kỳ. Hàng hóa xuất khẩu khá phong phú, đa dạng với hơn 70 mặt hàng/nhóm mặt hàng, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá.
Đặc biệt, thương mại dịch vụ có xu hướng tăng; hệ thống siêu thị bán lẻ và các hoạt động kết nối cung cầu tiếp tục được mở rộng, đa dạng về chủng loại hàng hóa. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 63.005 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 36.150 tỷ đồng tăng 16,14% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định (Ảnh: Dần Thanh) |
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tăng ở các ngành khai khoáng, chế biến chế tạo, cung cấp nước; xử lý nước thải, rác thải tăng khoảng 10-15%. Có 15 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 705,05 ha; tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được phê duyệt là 5.394,529 tỷ đồng; thu hút được 41 dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp, nhiều dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Vậy tình hình thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, những thuận lợi, khó khăn mà Hòa Bình đang gặp phải thưa ông?
Trước hết nói về thuận lợi, có thể khẳng định, ngành Công Thương Hòa Bình luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; quan tâm định hướng, giúp đỡ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các Sở, Ban, ngành, các huyện, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp... Trong đó, ngành Công Thương luôn chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ, chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, kỷ cương, kỷ luật. Chú trọng trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận các dịch vụ, hướng tới một nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà chúng tôi đang gặp phải đó là về tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN) còn chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động.
Hiện, tỷ lệ CCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn chưa cao. Thiếu cơ chế hấp dẫn thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp, dẫn đến số dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp chưa cao. Thực tế, các nhà đầu tư có xu hướng đề xuất thực hiện dự án ngoài cụm công nghiệp nhiều hơn trong cụm công nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về tổng thể vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Các vướng mắc trong quản lý, đầu tư, cải tạo chợ, quản lý tài sản công, đất đai gây khó khăn trong công tác chuyển đổi mô hình chợ.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh như sau: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025… Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh".
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh và những năm tiếp theo, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường với trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo; chế biến nông lâm sản; vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, trên cơ sở phát triển các cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp điện năng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất xanh, tiêu hao ít nhiên liệu, hiệu suất cao. Rà soát và xử lý và di dời dứt điểm các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, có tác động tiêu cực tới phát triển du lịch và môi trường, sinh thái. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển bền vững, vậy ngành Công Thương sẽ có những bước đi như thế nào để góp phần đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra, thưa ông?
Để đạt được những thành tựu đạt được trong sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, những năm qua ngành Công Thương Hòa Bình cũng không ngừng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và hỗ trợ xúc tiến thương mại đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương thông qua các sàn thương mại điện tử.
Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu. (Ảnh: Dần Thanh) |
Tuy nhiên, để phấn đấu đến năm 2030 Hòa Bình là tỉnh có trình độ phát triển khá thuộc nhóm dẫn đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Chúng tôi xác định công nghiệp phải là động lực trong phát triển kinh tế.
Theo đó, đến năm 2030, ngành Công Thương Hòa Bình quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10- 11%/năm; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khoảng 14 -15%/năm và chiếm tỷ trọng khoảng 65 - 70% tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp vào năm 2030.
Cùng với đó, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 48%.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 18%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hàng hóa phân phối qua hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.
Bên cạnh đó, duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 18%/năm.
Xin cảm ơn ông!