Hoa Kỳ đã đầu tư trực tiếp trên 11,1 tỷ USD vào Việt Nam
Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh |
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có mặt tại 42/62 tỉnh, thành phố Việt Nam, chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu. Những dự án có quy mô lớn là: Dự án Hồ Tràm tại Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 4,2 tỷ USD vốn đăng ký; Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chipset của Công ty Intel tại TP.Hồ Chí Minh có vốn đăng ký 1 tỷ USD… Các DN Hoa Kỳ, nhất là các DN lớn đều có chiến lược lâu dài tại Việt Nam và coi đây là thị trường lớn đầy tiềm năng. Sự thành công của các DN Hoa Kỳ hàng đầu tại Việt Nam cũng là thông điệp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới thực sự quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đầu tư trực tiếp, trên thị trường vốn, nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hoa Kỳ cũng đã có mặt tại Việt Nam. Hiện có 995 nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong đó có 565 nhà đầu tư tổ chức, 430 nhà đầu tư cá nhân, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong các nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng của các nhà đầu tư Hoa Kỳ và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam thì hoạt động đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore - ông Kirk Wagar cho biết, 81% DN Hoa Kỳ tại Singapore mong muốn mở rộng đầu tư tại khu vực ASEAN và điểm đến số 1 mà họ lựa chọn chính là Việt Nam. Với những cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa DN Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với đầu tư, hoạt động thương mại Việt Nam - Hòa Kỳ cũng liên tục tăng trưởng. Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 36 tỷ USD và trong 8 tháng đầu năm 2015, con số này đạt trên 22 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng gần đến đích và việc Việt Nam tham gia vào hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, toàn diện này sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng trong quản lý kinh tế, cũng như các cơ hội thương mại và đầu tư mới khi các rào cản được dỡ bỏ.
Ông Herb Cochran - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, AmCham đã có rất nhiều hoạt động sẵn sàng cho TPP trong nhiều năm qua. Cụ thể đã thành lập “Liên minh thuận lợi hóa thương mại VN” (VTFA) do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cùng AmCham quản lý, với sự tham gia của các hiệp hội hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu (dệt may, giày dép, nội thất...) nhằm hỗ trợ các cuộc tham vấn Chính phủ - DN định kỳ nhằm thúc đẩy khả năng đạt chỉ số đánh giá hoạt động thuận lợi hóa thương mại và hải quan.