Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT) đã được Quốc hội thông qua tháng 11 năm 2020 bà có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Luật BVMT 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong tiếp cận chính sách môi trường, và một trong những thay đổi đó là quy định EPR ( tại điều 54 và 55) quy định về trách nhiệm tái chế chất thải và trách nhiệm xử lý chất thải. EPR lần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
EPR giúp thay đổi hành vi của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng |
Tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải (hết vòng đời của sản phẩm). ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý, an toàn các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải.
Nguyên tắc cơ bản của cơ chế EPR đã được Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra. Trong đó có những quy định yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Đối tượng của cơ chế EPR gồm những ngành hàng như: pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì. Và, các nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tái chế chất thải.
Theo Tiến sĩ Kim In Hwan, Cố vấn chính sách môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ- tại Hàn Quốc, cơ chế EPR được điều chỉnh bởi Đạo luật Khuyến khích Tiết kiệm và Tái chế tài nguyên (2002); Đạo luật Tài nguyên tuần hoàn của chất thải điện tử và các phương tiện giao thông (2007); Đạo luật Kiểm soát Chất thải. Về nguyên tắc, EPR được hiểu là nhà sản xuất chịu hoàn toàn trách nhiệm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm; Kiểm soát ô nhiễm và an toàn khi sử dụng kéo dài đến cuối vòng đời của sản phẩm. Cơ chế này đã giúp cho Hàn Quốc trong giai đoạn 2003-2016 đã đạt được tỷ lệ tái chế lên đến 72% trong tổng sản lượng tái chế. Doanh nghiệp thực hiện tái chế tăng lên và cùng với đó 9769 công việc đã được tạo ra.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Phượng- Chuyên gia tư vấn Chính sách và Pháp luật - Đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng - Nhiều loại sản phẩm có khả năng tái chế nhưng không có khả năng thu gom như: Bao bì của 2-3 loại gia vị trong sản phẩm mỳ tôm, dù có khả năng tái chế nhưng không có khả năng thu gom và kẹo cao su cũng vậy nên chúng ta cần phải linh hoạt trong xây dựng chính sách. Mặc dù Dự thảo Nghị định EPR chưa đưa các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ( có doanh thu dưới 15 tỷ đồng/năm) vào tuy nhiên với 93% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cùng với 5,4 triệu hộ sản xuất kinh doanh tham gia vào dòng rác và trong đó theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp của Nghị định số 39 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2018 thì hiện Việt Nam nên xây dựng chính sách cần phải cân nhắc để có cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp cho đối tượng này.
Cũng theo bà Nguyễn Hoàng Phượng hiện Việt Nam đang gặp một số thách thức khi xây dựng cơ chế EPR, điển hình như: Cơ sở hạ tầng hạ tầng cho quản lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ phát sinh chất thải; Lượng phế liệu nhập khẩu lớn; Lượng sản phẩm đã qua sử dụng nhập khẩu lớn; Thương mại điện tử phát triển nhanh, bao gồm thương mại xuyên biên giới, dịch vụ vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng mà chi phí vận chuyển rẻ hơn trong nước, thậm chí trong cùng tỉnh Lực lượng lao động phi chính thức lớn… Vì vậy, khi xây dựng cơ chế EPR chúng ta cần cân nhắc và xác định rõ hơn nhà sản xuất, nhập khẩu có nghĩa vụ gì để đảm bảo người có quyền quyết định cao nhất mới có tác động cả đến thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi sản xuất. Hơn nữa, cần phân loại bao bì, đặc biệt là đối với bao bì dịch vụ - loại bao bì không chứa hàng hóa và chỉ được dùng để chuyển giao hàng hoá cho người tiêu dùng cuối cùng (thường là túi nylon hoặc thùng carton để đóng hàng hoá)….
Trong khi đó đại diện cho Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam ông Trần Trung Hiếu lại e ngại về hệ thống tái chế của Việt Nam chưa đồng bộ và chặt chẽ cũng như quan ngại về khả năng vận hành hiệu quả và minh bạch của phần tiền doanh nghiệp đóng góp và Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tái chế.
Còn ông Phùng Chí Sỹ- Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lại quan ngại về thành phần/ thành viên trong Hội đồng EPR Việt Nam. Ông Sỹ cho rằng phải có sự tham của các hiệp hội ngành nghề các lĩnh vực để tăng cường khả năng giám sát, sự minh bạch thay vì thành viên là các cán bộ đến Bộ Tài nguyên và Môi Trường…
Về cơ bản đại diện các nhóm ngành cho rằng việc Chính phủ xây dựng Nghị định cần có lộ trình và phù hợp với điều kiện công nghệ hiện có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sử dụng và sử dụng vật liệu tái chế cho các sản phẩm và bao bì.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định, đây là những tham vấn vô cùng giá trị, đơn vị soạn thảo Nghị định sẽ tiếp thu và có những chỉnh sửa phù hợp để đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi của quy định.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sau buổi hội thảo ngày 16/6 dưới sự góp ý của các hiệp hội ngành nghề trong và ngoài nước, các chuyên gia… cơ quan này sẽ tiếp thu ý kiến và điều chỉnh để ký và ban hành lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng xã hội và các cơ quan, ban ngành liên quan trước khi gửi sang Bộ Tư Pháp vào tháng 9 và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định vào tháng 10/2021. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.