Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu ôtô
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tại Nghị định 116, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) NK ôtô được quy định chi tiết và cụ thể hơn, hướng tới mục tiêu vì người tiêu dùng. Cụ thể, DN chỉ được phép NK ôtô khi có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô hoặc do DN thuê hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của DN đáp ứng các quy định tại Nghị định này. Đặc biệt, DN NK ôtô phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được quyền thay mặt DN sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ôtô NK tại Việt Nam.
Theo đánh giá của một số DN sản xuất và phân phối ôtô, quy định này thực sự cần thiết trong bối cảnh thị trường ôtô trong nước đang phát triển; xe NK cũng phải được chăm sóc trong suốt vòng đời sử dụng chứ không chỉ đưa về bán cho người tiêu dùng là bên bán hết trách nhiệm. Người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi được dùng hàng chính hãng và hưởng các dịch vụ hậu mãi. Nghị định 116 cũng nêu rõ: DN NK ôtô được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2017.
Đối với hoạt động sản xuất ôtô, DN sản xuất, lắp ráp đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. Sau đó, DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này.
Cụ thể: Về cơ sở vật chất, phải có nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp (bao gồm lắp ráp khung, thân xe, lắp ráp tổng thành và lắp ráp ôtô theo đúng quy trình công nghệ), dây chuyền sơn, hàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ôtô; có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô; có nhân lực phụ trách kỹ thuật chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô tối thiểu 5 năm; nhà xưởng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường….
Ngoài ra, Nghị định 116 cũng quy định rõ việc triệu hồi, thu hồi ôtô thải bỏ cũng như các điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng. Trong đó, DN sản xuất, lắp ráp và NK ôtô phải triệu hồi và thu hồi ôtô thải bỏ theo quy định của pháp luật.