Đảo Cò.
CôngThương - “Đất lành chim đậu”
Theo truyền thuyết, đầu thế kỷ 15 những trận đại hồng thủy đã làm dải đê lớn ven sông Hồng trải qua 3 lần vỡ đê liên tiếp. Đến lần vỡ đê thứ 2 thì tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ. Rồi đất lành chim đậu, từng đàn cò, vạc, chim nước đủ loại từ khắp nơi về đây cư trú. Theo thời gian, cò vạc trên đảo ngày càng đông về số lượng, đa dạng về thành phần loài.
Hiện nay với diện tích hơn 3.000m2, đảo Cò tập trung tới 15.000 con vạc, gồm các loại cò trắng, cò hương, cò ruồi… và nhiều loài chim quý khác như hạc, bồ nông, le le… Kể từ tháng 4, cò, vạc đã ổn định thói quen làm tổ, đẻ trứng và nuôi con. Hàng năm vào mùa thu, hàng ngàn cò, vạc và các loại chim lại bay về đây kiếm ăn nhộn nhịp đến tận tháng 4 năm sau. Sáng sớm và chiều tối là lúc cò, vạc "giao ca", tạo nên cảnh tượng kỳ thú, phủ kín cả khoảng không mặt hồ.
Ngoài ra, trong lòng hồ còn có nhiều loại cá tôm quý hiểm, đã tạo ra một hệ sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Sự đan xen hài hòa giữa cây cối, chim muông, hồ nước, đền chùa miếu mạo trong vùng như chùa Nam, đền Mẫu, cùng với các nghề cổ truyền thống như nghề gột cá, nghề tráng bánh, cây cảnh…đảo cò Chi Lăng Nam được kỳ vọng trở thành một vùng du lịch sinh thái đặc biệt của Hải Dương.
Dịch vụ thiếu thốn
Trong chuyến đi khảo sát của đoàn DN lữ hành do Tổng cục Du lịch tổ chức, sự hoang sơ và với đủ loài chim cò hội tụ giữa khu dân cư khiến cho hơn 50 đại diện DN thích thú, nhưng sau những ấn tượng là không ít lo ngại, phân vân tự hỏi liệu có nên đưa khách đến hay không?Bởi ngoài các loại chim, cò, vạc thì mọi dịch vụ du lịch nơi đây còn hoang sơ quá mức, không đáp ứng được nhu cầu cho khách nội địa chứ chưa nói đến phục vụ khách nước ngoài.
Trước hết, đó là phương tiện chở khách tham quan đảo là những chiếc thuyền sắt quá thô sơ, thậm chí có thuyền còn thủng lỗ nước tràn cả vào lòng thuyền, áo phao, phao dự phòng cho khách không có, trong khi lòng hồ chỗ sâu nhất phải 15m. Hơn chục người ngồi trên một chiếc thuyền thăm đảo Cò mà ai cũng chung tâm trạng nơm nớp, lo sợ và đều mong chuyến tham quan 30 phút nhanh chóng kết thúc.Ông Risto Honkanen (Giám đốc điều hành Khách sạn Nam Cường) mặc dù có xuất đi trên thuyền nhưng ông đã khéo léo từ chối, vì ông cho rằng, với vị trí là khách quốc tế, phương tiện vận chuyển khách như thế là không an toàn. Ông Risto khuyến cáo, số khách quốc tế đến Hải Dương chủ yếu là các thương gia, họ luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, cho nên với tình trạng còn hoang sơ như thế này khó lòng để hút khách ngoại đến với đảo Cò.
Ngoài ra, hiện đảo Cò nằm trong khu vực khá bất tiện, từ các điểm du lịch khác về với đảo phải mất gần 30 phút, các khu lân cận lại không có điểm tham quan bổ trợ, thiếu các trạm dừng chân, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, thông tin về đảo chỉ được người chèo thuyền cho biết một cách sơ sài thậm chí họ còn không biết cụ thể có bao nhiều loài cò, chim, vạc trên đảo.
Theo ông Vũ Quyết Thắng- Giám đốc Công ty du lịch Hoàng Việt, để đảo Cò trở thành một điểm nhấn của du lịch Hải Dương, lãnh đạo địa phương nên quy hoạch lại một cách tổng thể và quy mô hơn nhằm gắn kết thành chùm du lịch. Diện tích xung quanh đảo Cò chật hẹp, cần giãn dân để tăng khả năng bảo tồn cho đảo, tăng cường các trang thiết bị an toàn cho du khách. Đặc biệt, đào tạo và bổ sung đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp hơn để phục vụ du khách.
Ông Lương Văn Cầu- Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch cho biết, tỉnh Hải Dương cũng đã nhận thấy những bất cập trong việc phát triển du lịch sinh thái của đảo Cò, một số ý kiến, khuyến nghị của du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đã nằm trong tính toán, quy hoạch của địa phương. Nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch đảo Cò đã và đang được thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng lên kế hoạch chuyển 6 hộ thuộc cụm dân cư phía đông đảo Cò, tiến hành đào kênh chia cắt để tạo đảo mới cho cò, vạc về sinh sống.
Với quy hoạch này, ngành du lịch đang kỳ vọng đảo Cò sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo không chỉ của tỉnh Hải Dương mà của khu vực đồng bằng Bắc bộ.