Hoàng Su Phì được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn với ruộng bậc thang kỳ vĩ và những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc; nức tiếng với những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
Có thể nói, trong những năm vừa qua, cụ thể là giai đoạn 2016-2020, kinh tế của huyện Hoàng Su Phì tăng trưởng ổn định, bền vững. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng phát triển nông, lâm nghiệp sang phát triển thương mại, dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất 1.480,8 tỷ đồng (tăng 467,1 tỷ đồng so với năm 2015). An ninh lương thực được đảm bảo, thực hiện tốt việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cơ sở vật chất hạ tầng được quan tâm đầu tư 100% xã, thị trấn có đường cứng hoá đến trung tâm, 95% số thôn có đường xe cơ giới đến trung tâm thôn, 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá kiên cố; hoàn thành 03 xã được công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực du lịch tạo được bước đột phá, lượng khách du lịch vào địa bàn tăng hàng năm với tổng số đạt trên 50.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 65 tỷ đồng…
Ông Thèn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì (đứng giữa) kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo tồn di tích |
Theo ông Thèn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, để có được những thành quả trong phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm vừa Hoàng Su Phì đã tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh; các Chương trình, kế hoạch, Chi thị của Ủy ban nhân dân tỉnh; Nghị quyết huyện ủy, HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hàng năm và cả giai đoạn 2016-2020. Qua đó, UBND huyện Hoàng Su Phì đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, kế hoạch giao chỉ tiêu nhiệm vụ và chỉ thị cho các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, theo đó có 24/27 chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ huyện đã giao từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu…
Hoàng Su Phì nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang |
Về xác định lĩnh vực mũi nhọn để tập trung đầu tư, thu hút đầu tư tạo bứt phá cho địa phương, ông Thèn Ngọc Minh thông tin, trên cơ sở Nghị quyết Đại Hội Đảng các cấp và những tiềm năng thế mạnh của huyện, trong thời gian tới Hoàng Su Phì sẽ chủ động tiếp cận xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, thương hiệu lớn trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực du lịch, thủy điện, dược liệu, nông lâm nghiệp đến đầu tư vào huyện; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị, các dự án nông nghiệp theo hướng an toàn, công nghệ cao.
Đặc sắc các lễ hội văn hóa |
Trước hết về lĩnh vực du lịch, phát huy lợi thế huyện nằm trên cung đường kết nối giữa Hà Giang và Lào Cai nên Hoàng Su Phì là cầu nối quan trọng giữa các địa phương của tỉnh Hà Giang với các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Hà Giang và tỉnh Lào Cai. Cùng với đó là địa hình núi đất, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp như danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang, đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi cao trên 2.400m, những cánh rừng nguyên sinh, rừng chè cổ thụ, có khí hậu ôn hòa. Ngoài ra, các thành phần văn hóa độc đáo và phong phú, kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống được người dân bảo tồn và gìn giữ. Ngoài ra, 08 di tích, di sản được các cấp ra quyết định xếp hạng di sản, trong đó có 04 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và 04 di sản văn hóa cấp Quốc gia. Những điều kiện trên (nguồn lực, tài nguyên và nhân văn) là sự thuận lợi để huyện Hoàng Su Phì thu hút đầu tư về lĩnh vực du lịch, du lịch cộng đồng nhằm mang lại lợi ích về kinh tế và văn hóa - xã hội của địa phương.
Hoàng Su Phì có thế mạnh về cây chè shan tuyết |
Về các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, Hoàng Su Phì có diện tích đất lâm nghiệp chiếm khoảng 65% tổng diện tích tự nhiên, có điều kiện thuận lợi để phát triển rừng nguyên liệu, cây công nghiệp như chè, đậu tương gắn với công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất hàng hoá, Qua đó, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch để bố trí quỹ đất thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao), các dự án trồng và chế biến dược liệu, trồng và chế biến chè hữu cơ. Thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp (chè shan tuyết, rượu thóc Nàng Đôn...) và dược liệu dựa trên cơ sở “sản phẩm du lịch của địa phương”.
Sản phẩm chè của Hoàng Su Phì được khác hàng ưa chuộng |
Song song với đầu tư phát triển du lịch, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống luôn được địa phương quan tâm. Hoàng Su Phì có 14.625 hộ gia đình với 68.252 nhân khẩu thuộc 13 dân tộc trong đó dân tộc Nùng chiếm đa số. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trong huyện Hoàng Su Phì luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, coi đó là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện… Nhiều lễ hội, lễ thức văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc đã được phục dựng và duy trì thường xuyên đảm bản an toàn, tiết kiệm và có ý nghĩa, góp phần giáo dục văn hóa truyền thống, tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Trong đó có nhiều lễ thức, lễ hội nghề truyền thống đã được kiểm kê, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Lễ hội Quyãs Hiéng của dân tộc Dao xã Hồ Thầu, Tết Cu cù tê của dân tộc La Chí, lễ cúng Rừng (Mo Đống Trư) của dân tộc Nùng, nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng xã Nàng Đôn, Pờ Ly Ngài.
Cùng với đó chỉ đạo quản lý, phát huy tốt giá trị các di tích, di sản đã được các cấp ra quyết định xếp hạng di sản, trong đó có 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 02 di tích quốc gia gồm danh thắng ruộng bậc thang tại 11 xã và 04 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lễ hội Quyã Hiéng dân tộc Dao xã Hồ Thầu, Lễ cúng thần rừng dân tộc Nùng, Tết Khu cù tê dân tộc La Chí xã Bản Phùng, Bản Máy, nghề chạm khắc bạc dân tộc Nùng xã Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn.
Từ năm 2012 đến nay, Hoàng su Phì đã thực hiện tổ chức Tuần Văn hóa du lịch theo định kỳ mỗi năm 1 lần gắn với dịp lúa chín với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, các lễ hội, lễ thức tiêu biểu đã trở tạo môi trường tích cực và thuận lợi cho nhân dân các dân tộc trong huyện trong việc giới thiệu, phát huy các giá trị bản sắc các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, đồng thời giới thiệu với đông đảo bạn bè trong và ngoài tỉnh và để thu hút khách du lịch đến với huyện. Đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hoá truyền thống độc đáo của nhân dân các dân tộc để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương.