Ảnh minh họa: internet
CôngThương - ừ năm 2006, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí ngân sách địa phương hàng năm cho công tác khuyến công. Công tác này được triển khai rộng khắp khi chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008-2015 được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 2314/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2007. Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác khuyến công đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hầu hết các cơ sở phát huy hiệu quả tốt sau khi tiếp nhận kinh phí khuyến công, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn, khai thác được tiềm năng, tạo việc làm thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước tăng đóng góp cho ngân sách, giải quyết tốt các vấn đề xã hội... góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Qua 2 năm thực hiện kế hoạch khuyến công 2006- 2007, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu với UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn khuyến công địa phương để hỗ trợ cho các cơ sở thụ hưởng, kết quả đạt được: hỗ trợ cho 57 đề án, tổng kinh phí thực hiện: 1.778,8 triệu đồng bằng 90,2% kế hoạch, trong đó:
Năm 2006: Hỗ trợ cho 31 đề án, kinh phí thực hiện: 844,2 triệu đồng bằng 86,9% kế hoạch; tập trung cho chương trình đào tạo nghề truyền nghề 413,3 triệu đồng chiếm 49% tổng kinh phí; chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến 230,41 triệu đồng chiếm 27,3% tổng kinh phí.
Năm 2007: Hỗ trợ cho 26 đề án, kinh phí thực hiện: 934,6 triệu đồng bằng 93,46% kế hoạch; tập trung cho chương trình đào tạo nghề truyền nghề 163,1 triệu đồng chiếm 17,4% tổng kinh phí; chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến 469,4 triệu đồng chiếm 50,2% tổng kinh phí; chương trình xây dựng mô hình trình diễn 156,5 triệu đồng chiếm 16,7%.
Trong 2 năm này, nhằm củng cố nâng cao năng lực của Trung tâm Khuyến công mới được thành lập, thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác khuyến công, kinh phí khuyến công cũng đã giành 264,7 triệu đồng, chiếm 15% tổng kinh phí hỗ trợ của 2 năm để chi phí tại trung tâm, trang bị thêm máy móc thiết bị, sửa chữa phương tiện, kiểm tra thẩm định.
Riêng với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, trong 2 năm 2006-2007 đã được duyệt kế hoạch 296 triệu đồng cho 5 đề án, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lựa chọn đơn vị thụ hưởng chưa đảm bảo, việc triển khai của cơ sở chậm... vì vậy chỉ có một đề án đào tạo nghề truyền nghề được thực hiện với kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng.
Từ năm 2008 đến hết năm 2010, trong giai đoạn này việc thực hiện công tác khuyến công đã có bước chuyển mạnh về chất. Một số văn bản quan trọng liên quan đã được ban hành như: Thông tư liên tịch số 125/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính – Bộ Công Thương quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với Chương trình khuyến công; Quyết định số 08/2008/QĐ-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2008 của Bộ Công Thương ban hành quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình, kế hoạch và đề án khuyến công quốc gia; Chương trình khuyến công giai đoạn 2008-2015 tỉnh Yên Bái đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là những căn cứ pháp lý tạo điều kiện để công tác khuyến công được thực hiện đồng bộ.
Qua 3 năm, chương trình khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ cho 104 đề án với tổng kinh phí đạt 5.669 triệu đồng, trong đó: kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho 88 đề án, kinh phí đạt 3.500 triệu đồng đạt 100% kế hoạch kinh phí, bằng 57,28% mục tiêu chương trình đặt ra; kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 16 đề án kinh phí đạt 2.169 triệu đồng đạt 91,6% kế hoạch kinh phí, bằng 261,3% mục tiêu chương trình đặt ra.
Hoạt động khuyến công đã góp phần động viên, khuyến khích các sơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư thu hút được trên 80 tỷ đồng. Số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn năm 2009 là 7.228 cơ sở tăng trên 2000 cơ sở so với năm 2005. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn năm 2010 đạt trên 1.000 tỷ đồng tăng gấp 5 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2009 đạt 27,4% cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp. Qua đó có tác động lớn thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn với tốc độ tăng trưởng nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong 5 năm, số lao động được nâng cao tay nghề, được dạy nghề, có việc làm từ hoạt động khuyến công gần 1.500 người, thu nhập bình quân 1.500.000-1.700.000 đồng/người/tháng, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu và phát triển đời sống văn hoá - xã hội ở nông thôn.
Mặt khác, công tác khuyến công đã hỗ trợ các doanh nghiệp cải tạo, đổi máy móc thiết bị, tiếp cận công nghệ mới, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thông qua các chương trình nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, truyền nghề đã cung cấp cho cán bộ quản lý những kiến thức cơ bản trong quá trình tổ chức, điều hành và quản lý sản xuất kinh doanh, vận dụng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Trình độ tay nghề của lao động qua đào tạo được nâng lên, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Như vậy, sau 5 năm, tỉnh đã thực hiện 162 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 7.487,8 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 17 đề án, kinh phí 2.209 triệu đồng; nguồn kinh phí địa phương 145 đề án, kinh phí 5.278,8 triệu đồng. Bình quân một năm hỗ trợ cho 33 cơ sở kinh phí gần 1.500 triệu đồng. Các đề án đã được phê duyệt kế hoạch song không thực hiện được 7/174 đề án chiếm tỷ lệ 4% và giảm dần qua các năm. So với các tỉnh bạn trong khu vực miền núi phía bắc, tỉnh Yên Bái là một trong những tỉnh dẫn đầu, làm tốt nhiệm vụ khuyến công trong giai đoạn vừa qua.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Sở Công Thương đã tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh rà soát điều chỉnh bổ sung chương trình khuyến công đến năm 2015: hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn đến năm 2015 đạt 4.896 tỷ đồng, chiếm 66,17% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực nông thôn đạt 25,75% năm; tạo thêm từ 1.500 đến 2.000 chỗ làm mới, thu nhập bình quân từ 1.800.000 đến 2.000.000 đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn 2011-2015, Sở Công Thương sẽ được hỗ trợ 29.194 tỷ đồng kinh phí khuyến công (trong đó: địa phương 10.359 triệu đồng; trung ương 18.805 triệu đồng) cho các nội dung chương trình khuyến công.